Tờ báo Anh nêu có hai bài viết đăng trên Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 9 và 10.5 hàm ý ông Tập không hài lòng với các chủ trương cải cách kinh tế của ông Lý.
Bài viết 6.000 chữ đăng trang nhất sáng 9.5 có tựa: "Phân tích phương hướng kinh tế căn cứ tình hình quý đầu năm: người am hiểu trong cuộc nói về tình trạng kinh tế Trung Quốc", mang nội dung cảnh báo cuộc chạy đua ráo riết vì mục đích tăng trưởng kinh tế dẫn đến mắc nợ nặng, có thể đẩy Trung Quốc vào tình trạng bất ổn tài chính, thậm chí "nuốt" hết tiền gửi tiết kiệm của dân.
Như để nhấn mạnh sự cảnh báo, 24 giờ sau, bài viết thứ hai là xã luận của ông Tập Cận Bình, trong đó ông trình bày cái nhìn về nền kinh tế Trung Quốc cùng chương trình tái cơ cấu.
Các bài viết này càng làm tăng sự đồn đoán về một sự phân hóa chính trị ở cấp cao nhất giữa ông Tập với vị Thủ tướng phụ trách mảng kinh tế.
Nhà bình luận Harada Issaku của Nikkei nói với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP, Hồng Kông): "Cuộc phỏng vấn của Nhân dân nhật báo... không chỉ phơi bày rạn nứt sâu sắc giữa ông Tập với ông Lý mà còn cho thấy cuộc đấu đá quyền lực đang gay gắt hơn, đến độ vị chủ tịch phải nhờ đến giới truyền thông để thúc đẩy chủ trương của ông. Sự phân hóa rõ rệt đã nổi lên ở cấp lãnh đạo Trung Quốc".
Issaku còn nêu hai ông Tập và Lý "khóa sừng" nhau trong việc ưu tiên ổn định kinh tế hay là tái cơ cấu kinh tế.
Nhà báo chính trị Vương Hướng Vỹ viết trên SCMP: "Nói chung, hai bài báo cho thấy ông Tập quyết ngồi sau tay lái để lèo lái nền kinh tế Trung Quốc vào lúc đang có sự tranh cãi quyết liệt trong giới lãnh đạo về phương hướng tổng thể của nền kinh tế".
Họ Vương mô tả cuộc phỏng vấn đăng trang nhất Nhân dân nhật báo ngày 9.5 là "một sự bác bỏ" những nỗ lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường nhằm vực dậy sức tăng trưởng kinh tế bằng cách quay qua vay nợ ngân hàng.
Nhờ vay được số tiền kỷ lục 4,6 ngàn tỉ nhân dân tệ (477, 3 tỉ bảng Anh), nền kinh tế Trung Quốc ổn định trong quý 1.2016. Nhưng nó dẫn đến thắc mắc về quyết tâm tái cơ cấu của Bắc Kinh.
Theo Guardian, các nhà quan sát Trung Quốc "cảm thấy bị lừa" về sự bí mật trong cuộc tranh luận về việc hoạch định chính sách ở cấp cao nhất, lại được phơi bày trên các trang báo của Nhân dân nhật báo.
Một số nhà quan sát cho rằng các bài báo trên là dấu hiệu tan vỡ trong quan hệ giữa ông Tập với ông Lý, đồng thời dự báo có thể qua năm 2017, ông Vương Kỳ Sơn - người phụ trách cuộc chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi” - sẽ thay ông Lý làm Thủ tướng.
Để dẫn chứng, họ nêu rõ sự nghi ngờ rằng bài viết thứ nhất trên Nhân dân nhật báo là của Lưu Hạc, một nhà kinh tế từng học Harvard và là bạn học của ông Tập vào những năm 1960. Hiện Lưu Hạc là một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Tập.
Bill Bishop của trang tin Sinocism (chuyên về kinh tế - chính trị Trung Quốc) nói thêm rằng kịch bản có thể xảy ra là Thủ tướng Lý sẽ thôi phụ trách mảng kinh tế, nhân Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 trong năm tới. Người thay ông Lý là ông Vương, vì ông Tập đang nỗ lực tiến hành cấp bách cuộc cải tổ kinh tế vốn đau đớn nhưng cần thiết.
Bishop nói: "Từ quan điểm cải tổ, ông Vương có uy tín lớn, có thể hành động hiệu quả hơn trong giới cầm quyền. Một số người đang sợ ông ấy".
Các nhà quan sát khác cho rằng những bài báo gợi ý rõ rằng đang có những thay đổi lớn về chủ trương, hoặc chúng được viết nhằm nhắc nhở các quan chức cấp tỉnh rằng sẽ không có một chương trình kích cầu "khủng"mới, tương tự chủ trương kích cầu từng được ban hành khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Chuyên gia thị trường tài chính Fraser Howie thì ví von cuộc đấu đá về chính sách kinh tế không phải một trận quyền Anh với hai võ sĩ mà là một đám cháy rừng dữ dội, nơi cảnh sát và lính chữa cháy dùng các kỹ thuật khác nhau để dập đám cháy của một nền kinh tế đang lao dốc quá nhanh.
Anh Thái
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...