Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Canada - sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 và 27.5 ở Nhật Bản. Thủ tướng Anh David Cameron sẽ đối mặt với áp lực từ các nhà lãnh đạo còn lại về quan điểm của London đối với Bắc Kinh.
Lâu nay vốn không đồng tình với chính sách thắt lưng buộc bụng của Anh, các nước phương Tây khác càng khó chịu hơn khi thấy Thủ tướng Cameron xem “Trung Quốc là đối tác tốt nhất của phương Tây”.
Giới quan sát quan ngại Thủ tướng Anh sẽ vẫn giữ lập trường “ủng hộ Trung Quốc” khi đến với G7, trong khi người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe, với tư cách nước chủ nhà, lại đặt “quan hệ của Trung Quốc” làm trọng tâm trên bàn nghị sự của G7 lần này, theo Financial Times hôm 22.5. Các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là chủ đề “chính trị thế giới” sẽ được mổ xẻ nhiều trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 tại khu nghỉ mát Kashikojima, miền trung Nhật Bản.
Sau cuộc gặp ở thành phố Hiroshima hồi tháng 4.2016, ngoại trưởng các nước G7 đã ra
tuyên bố “phản đối những hành động đơn phương gây hấn hoặc dọa nạt" ở Biển Đông và biển Hoa Đông, theo Reuters, dù không đề cập tên Trung Quốc trong tuyên bố chung.
Financial Times dẫn nguồn từ một trong những người thân cận của ông Abe nói rằng Thủ tướng Nhật muốn các nhà lãnh đạo thế giới phản đối việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực của Trung Quốc ở Biển Đông, và tạo dựng một sự đồng thuận vững chắc giữa các nước G7 đối với luật biển quốc tế, điều mà Bắc Kinh không tuân thủ khi tuyên bố tẩy chay phiên tòa xét xử vụ kiện Philippines chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin có liên quan của hội nghị thượng đỉnh lần này, Biển Đông có thể sẽ chỉ là một nội dung nhỏ trong tuyên bố chung của G7. “(Bởi vì), Tokyo muốn có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phương Tây trước khi công khai đối đầu với Trung Quốc”, Financial Times nhận định.
Mỹ tuyên bố thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển ĐôngAFP |
Financial Times cho rằng lập trường “khác biệt” của Thủ tướng Cameron có thể dẫn đến một sự đồng thuận chung “chống Trung Quốc”, nhưng đối với Nhật thì điều đó chưa đủ mạnh.
Chính phủ Anh đang cố gắng xoa dịu những lo ngại của đồng minh Mỹ khi tỏ ra quá thân mật đối với Bắc Kinh. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh, ông Hugo Swire trong chuyến công du nước Mỹ hồi tháng 4.2016 đã ca ngợi Mỹ về hoạt động tuần tra thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không của hải quân Mỹ ở Biển Đông. Ông Swire còn tuyên bố ủng hộ
phiên tòa Biển Đông và "vai trò của Mỹ trong việc bảo vệ những nguyên tắc ở châu Á-Thái Bình Dương”.
Minh Quang