Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi Nga vụ bắn rơi Su-24?

Thứ năm - 30/06/2016 05:45 - Đã xem: 3168
Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức xin lỗi Nga về vụ bắn rơi máy bay Su-24 khiến phi công Nga thiệt mạng. Những yếu tố kinh tế và sự thay đổi chính sách ngoại giao được cho là nguyên nhân dẫn đến quyết định này.
Mối quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã xấu đi trầm trọng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga khi đang tham gia chiến dịch tại Syria hồi tháng 11.2015. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó yêu cầu một lời xin lỗi từ Ankara và đòi bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó lại khăng khăng đòi Nga xin lỗi vì xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau chống lưng cho khủng bố tại Syria và mâu thuẫn gia tăng đến mức ông Putin ra lệnh cấm các công ty du lịch bán tour đến Thổ Nhĩ Kỳ, cấm các công ty xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Nga và cấm nhập khẩu hàng hoá, thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Vậy nguyên nhân nào khiến cho Tổng thống Erdogan thay đổi thái độ, muốn phía Nga thứ lỗi về việc bắn rơi Su-24 và còn cân nhắc bồi thường cho Nga?
Mục đích kinh tế
Theo ước tính trong năm 2015 của Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu, các lệnh trừng phạt của Nga có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ bị mất đi từ 0,3 - 0,7 điểm phần trăm trong năm 2016, Bloomberg ngày 27.6 dẫn lại. Tuy nhiên, ông Erdogan thời điểm đó vẫn không hề nao núng trước những nguy cơ kinh tế này.
Tuy vậy, những tác động kinh tế thực sự đã khiến các lãnh đạo tại Ankara suy nghĩ lại. Theo Bloomberg, lượng khách du lịch Nga đến thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đến… 95% trong năm 2016. Nhiều năm trước, nơi đây là địa điểm nghỉ mát ven biển ưa thích của các du khách Nga.
Tác động này sẽ không quá ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ vì số du khách châu Âu đến nước này nhiều gấp 5 lần số du khách Nga. Tuy nhiên trong năm 2016, khách du lịch từ các nước châu Âu như Anh và Đức lại thờ ơ với Thổ Nhĩ Kỳ vì những mối đe doạ an ninh. Vì vậy mà số lượng du khách năm 2016 đến Thổ Nhĩ Kỳ giảm đến 45% so với năm ngoái, một tác động nặng ký đủ khiến cho chính quyền Erdogan phải suy nghĩ lại. Ngoài ra, giới lãnh đạo Ankara còn những toan tính sâu xa hơn.
Ngay trước khi phía Nga thông báo nhận được lời xin lỗi từ Thổ Nhĩ Kỳ về vụ bắn rơi Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao sau 6 năm. Điều này giúp Ankara có thể hy vọng về việc đa dạng hoá nguồn cung cấp năng lượng và không phải chịu phụ thuộc vào Nga. Tập đoàn nhà nước Gazprom của Nga cung cấp khoảng 55% lượng khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara muốn thay đổi điều đó bằng cách xây một đường ống dẫn khí đốt từ Israel sang Cyprus đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Israel được cho là nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn của dự án này. Tờ Russia Insider hồi tháng 5 cho biết khả năng sản xuất khí đốt của Israel giai đoạn 2020-2021 ước tính là 20-25 tỉ m3, tối đa là 30 tỉ m3 vào năm 2030. Nếu trừ đi các thoả thuận xuất khẩu sang Jordan và Palestine và lượng tiêu thụ trong nước, Israel chỉ có thể xuất khẩu tối đa 15 tỉ m3 khí đốt mỗi năm. Số lượng này không đủ cho nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, Israel được cho đã có kế hoạch thay thế là chuyển khí đốt sang Ai Cập và hoá lỏng tại đây, sau đó xuất khẩu bằng tàu biển chứ không phải bằng đường ống.
Thổ Nhĩ Kỳ do đó không còn cách nào khác, phải quay về với Nga. Thêm nữa, nếu dự án đường dẫn khí đốt của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ xuống phía nam châu Âu được xây dựng, đó sẽ là nguồn lợi lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan hiểu rõ rằng việc giữ mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Nga quan trọng đến mức nào.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi Nga vụ bắn rơi Su-24? - ảnh 3
Mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ lạnh nhạt sau vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi khiến phi công Nga thiệt mạngAFP
Thay đổi chính sách ngoại giao
Trong thông điệp gửi Tổng thống Nga, ông Erdogan nói rằng Nga là “người bạn và là đối tác chiến lược” của Thổ Nhĩ Kỳ, theo TASS dẫn xác nhận của điện Kremlin.
Việc xin lỗi đến giữa thời điểm chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh giá lại chính sách đối ngoại. Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây không chỉ có mối quan hệ căng thẳng với Israel, Nga mà cả với Mỹ và Liên minh châu Âu.
Ác mộng thực sự cũng xảy đến với Ankara tại Syria khi sự ủng hộ của Nga giúp Tổng thống Bashar al-Assad, kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ, giữ nguyên quyền lực. Trong khi đó, lực lượng vũ trang người Kurd cũng hưởng lợi nhờ Mỹ trong cuộc chiến chống IS, gia tăng vị thế trong các vùng lãnh thổ giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Bởi vậy ngay sau khi nhậm chức thủ tướng hồi tháng 5, ông Binali Yildirim tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần thêm nhiều bạn và bớt thù. Điều này được coi là sự thừa nhận ngầm rằng những chính sách của ông Ahmet Davutoglu, từ chức thủ tướng hồi tháng 5, đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập.
Giáo sư Brenda Shaffer tại đại học Georgetown (Mỹ), thành viên viện chiến lược Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu tái ưu tiên các chính sách ngoại giao. Theo bà Brenda, Thổ Nhĩ Kỳ đang coi trọng chính sách thực dụng mà ở đó “sẽ không bao giờ có những mâu thuẫn song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, thay vào đó chỉ có những lợi ích chung. Điều này cũng chính xác trong trường hợp của Nga”.

Bảo Vinh

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây