Mỹ cần làm nhiều hơn để chặn Trung Quốc ở biển Đông

Thứ ba - 17/05/2016 05:11 - Đã xem: 870
Hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở biển Đông không thôi vẫn chưa đủ và chính quyền Mỹ cần phải làm nhiều hơn để đối phó sự khiêu khích của Trung Quốc ở đó.

Đó là nhận định của giáo sư Julian Ku từ Trường ĐH Luật Hofstra (Mỹ), phó giáo sư M. Taylor Fravel tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và chuyên gia cao cấp Malcolm Cook của Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak (Singapore).

Theo các nhà phân tích này, căng thẳng đang gia tăng trên biển Đông, đơn cử như Trung Quốc đã tung nhiều máy bay “xua đuổi” tàu khu trục của Mỹ khi tàu này áp sát khu vực 12 hải lý quanh Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mới đây.

Nói như giáo sư Julian Ku, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bắt đầu đưa ra các lập luận nhằm cô lập Mỹ về mặt pháp lý. Chỉ rõ sự khác biệt giữa tàu thương mại và quân sự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “không một quốc gia, ngoại trừ Mỹ tin rằng tàu quân sự của họ có thể hoạt động bất cứ nơi nào họ muốn, điều đi ngược lại luật pháp quốc tế”.

Vì thế, có thể nhận thấy Bắc Kinh đã có sự thay đổi trong chiến lược ngoại giao, chuyển từ phàn nàn về "hành động xâm phạm chủ quyền của Mỹ" sang diễn giải Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển (UNCLOS) sao cho có lợi cho mình. .

 

Trung Quốc từng tung nhiều máy bay “xua đuổi” tàu khu trục của Mỹ khi tàu này áp sát khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: FOREIGN POLICY

Trung Quốc từng tung nhiều máy bay “xua đuổi” tàu khu trục của Mỹ khi tàu này áp sát khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: FOREIGN POLICY

 

Phó giáo sư Taylor Fravel cũng đồng tình với giáo sư Julian Ku về những hạn chế của FONOP trong việc kiềm chân Trung Quốc ở biển Đông.

Theo ông, FONOP ngay từ đầu chưa bao giờ được thiết lập như một công cụ trong các cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải liên quan đến bên thứ ba. Dù vậy, ở biển Đông, FONOP có thể được sử dụng để khẳng định quyền tự do đi lại trước những tuyên bố chủ quyền thái quá.

Thời gian qua, hoạt động này được thông tin rộng rãi. Tuy nhiên, do chúng được xem là một hoạt động quân sự nên Bộ Quốc phòng Mỹ hầu như không bao giờ công bố chi tiết về chúng. Trong trường hợp Lầu Năm Góc thay đổi lập trường này, FONOP có thể bị xem là hành động thách thức Trung Quốc, có nguy cơ dẫn đến hành động trả đũa.

Chuyên gia Malcolm Cook cho rằng vấn đề lớn nhất là Mỹ đang đơn thương độc mã thực thi FONOP ở biển Đông nên hành động này bị xem là một phần nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Vì thế, theo ông Cook, FONOP sẽ trở nên hiệu quả và có sức nặng hơn nếu nhận được sự ủng hộ của những nước Đông Nam Á cũng như Nhật Bản và Úc

H.Bình (Theo Foreign Policy)

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây