Thành công từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ tư - 14/03/2018 04:59 - Đã xem: 2257
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Cư Jút – Đắk Nông luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng và đang phát huy hiệu quả thiết thực.

 

(Bế giảng một lớp khoan giếng dưới đất tại Cư Jút do Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phối hợp Cư Jút với trường CĐ Nghề than- khoáng sản Việt Nam)

Mở 51 lớp đào tạo nghề vùng nông thôn

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án lao động nông thôn, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Cư Jút – Đắk Nông đã tổ chức được 51 lớp đào tạo với nhiều ngành nghề như: kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu, cây cao su, cây cà phê, kỹ thuật chăm sóc thú y, nấu ăn, tin học văn phòng,...

Với nội dung phong phú, các lớp đào tạo đã thu hút hơn 1.500 học viên tham gia. Qua các lớp học, các học viên được tiếp cận với cách chọn cây, con giống, phương thức làm đất, kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc và phòng trừ các loại sâu, bệnh,...

Bà Hà Thị Vạn ở thôn Nam Thanh, xã Ea Pô, huyện Cư Jút là một trong những học viên tham gia lớp học trồng và chăm sóc cây hồ tiêu do Trung tâm GDNN-GDTX phối hợp tổ chức cho biết: Trước đây, khi trồng hơn 6 sào hồ tiêu, gần như gia đình bà để cây phát triển tự nhiên, nên cây phát triển kém, cho sản lượng thấp. Tham gia lớp học đào tạo về kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu, được hướng dẫn nhiều kỹ thuật hữu ích về áp dụng lên chính diện tích hồ tiêu của gia đình, nhờ vậy, vườn tiêu của gia đình bà sinh trưởng và phát triển tốt hơn hẳn, tình trạng sâu, bệnh cũng được hạn chế hơn rất nhiều so với trước đây.

Không riêng mô hình trồng trọt, các học viên còn áp dụng những kiến thức đã được học để mở rộng mô hình chăn nuôi của gia đình. Gia đình bà Bùi Thị Hoa, ngụ xã Ea Pô, huyện Cư Jút là ví dụ điển hình. Trước đây, gia đình bà Hoa có chăn nuôi gà thịt nhưng chỉ với quy mô nhỏ lẻ, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, đàn gà của gia đình bà hay bị nhiễm bệnh, chết nhiều.

Năm 2013, bà được tham gia lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, nhờ đó, bà mạnh dạn về mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình. Đến nay, bà đã sở hữu một trang trại gà rộng hơn 4 ha, với mỗi lứa 5.000 con gà, một năm gia đình bà xuất hơn 20.000 con, trừ hết các khoản chi phí, mỗi năm gia đình bà thu được gần 500 triệu đồng.

Thành công bước đầu

Buôn làng tại huyện Cư Jút rất khang trang, kinh tế phát triển nhờ người dân có việc làm ổn định

Theo bà Hà Thị Tấn- Trưởng Phòng lao động và Thương binh xã hội (LĐTB&XH) huyện Cư Jút thì : Với lợi thế là địa phương giáp danh với Thành phố BMT- tỉnh Đắk Lăk và có khu công nghiệp Tâm Thắng đóng chân tại địa phương nên trong những năm qua, huyện Cư Jút đã tập trung hướng dẫn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như nhu cầu học nghề trong nhân dân.

Chỉ tính trong năm 2017, Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Cư Jút đã phối hợp đào nghề cho 802 lao động, qua đó đã giải quyết việc làm cho 786 lao động, trong đó xuất khẩu lao động đi nước ngoài được 14 lao động.

Ngoài ra, trong năm 2017 huyện Cư Jút còn phối hợp với Sở lao động Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông tổ chức phiên giao dịch việc làm tại huyện với 320 lao động tại địa phương tham gia.

Từ phiên giao dịch này đã tư vấn và hỗ trợ ký hợp đồng lao động cho 32 lao động tại Nhật Bản, Đài Loan và các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Cũng theo bà Hà Thị Tấn, thì từ thực tế cho thấy, việc ứng dụng kiến thức từ các lớp học nghề, nhiều lao động ở nông thôn không những áp dụng hiệu quả trong quá trình sản xuất, mà thông qua đó họ đã biết chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau theo hình thức “người đi trước rước người theo sau” góp phần làm cho phong trào sản xuất của người dân ngày càng phát triển và thực sự hình thức này đã phát huy hiệu quả nhất định tại các tổ hợp tác và ở nhiều hộ gia đình.

Tìm biện pháp giải quyết khó khăn

Một góc xã Tâm Thắng, Cư Jút, Đắk Nông

Bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Cư Jút cũng còn gặp một số khó khăn như, chưa bổ sung kịp thời các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động; các lĩnh vực đào tạo nghề mới chỉ tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; việc xây dựng các mô hình, ký kết chương trình liên kết với các ngành, các công ty, doanh nghiệp tại Khu công nghiệp để cung ứng về giống, vốn, vật tư, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân học nghề thực tế còn rất hạn chế.

Hiện nay huyện Cư Jút có khoảng 160 công ty, doanh nghiệp là cá nhân, nhưng các doanh nghiệp và công ty này không có chương trình đào tạo và nếu có tuyển dụng lao động thì cũng rất ít, hoặc mức lương quá thấp so với đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Theo đó, để tiếp tục thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới Phòng LĐTB&XH huyện Cư Jút sẽ tiếp tục bám sát thực tế, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nhu cầu học nghề của người dân cũng như nhu cầu tuyển dụng của các Công ty, doanh nghiệp để phối hợp mở các lớp đào tạo có ý nghĩa và đem lại hiệu quả thiết thực; phấn đấu mỗi năm đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm cho từ 200 – 300 lao động nông thôn.

Văn Trọng – Hải Dương

Nguồn tin: infonet.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây