Những năm đầu gian khó
Cách đây 40 năm, vào ngày 22/12/1976, rất nhiều người dân ở các xã, phường của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ đã tình nguyện đến huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Lắk cũ) xây dựng vùng kinh tế mới “Đắk Mâm”. Ít năm sau, nơi đây được lấy tên là xã Nam Đà cho đến bây giờ.
Đã 40 năm trôi qua, ông Trần Hữu Tuấn vẫn còn nhớ như in ngày gia đình ông cùng 40 hộ dân nữa ở phường Vĩnh Trung (Đà Nẵng) đặt chân lên vùng đất này để lập nghiệp. Ngày đó, mỗi hộ dân được cấp 1,5 sào đất ở và 6 tháng lương thực. Mặc dù đất đai phì nhiêu, nhưng lại thiếu phương tiện sản xuất, việc cấp lương thực nhiều lúc còn chậm, nên hộ nào cũng đói, phải kéo nhau vào rừng đào củ mài để ăn.
Ông Tuấn tâm sự: “Ngoài chuyện đói ăn, thời gian đầu vào Nam Đà, những hộ kinh tế mới còn phải đối mặt với dịch sốt rét hoành hành. Nguyên nhân là do bà con phải sử dụng nước suối để ăn uống, thuốc men thì không có tại chỗ. Vì vậy, bất cứ ai bị sốt rét lại phải gánh bằng võng lên Buôn Ma Thuột cách hàng chục cây số để chữa bệnh. Mà đường lên tỉnh ngày ấy chỉ toàn là đường mòn, gập ghềnh, lầy lội, lắm lúc phải mất cả ngày trời mới đến nơi, nên nhiều người đã chết vì sốt rét. Chán nản vì cuộc sống khó khăn, lại lo sợ dịch sốt rét rình rập, không ít hộ dân kinh tế mới lần lượt kéo nhau bỏ về quê”.
Gia đình ông Trương Văn Minh (gốc ở TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bây giờ) lên xã Nam Đà lập nghiệp cũng đã phải trải qua những cơn đói triền miên và những đợt sốt rét kéo dài...Thấy nhiều người kéo nhau trở về quê, gia đình ông cũng nao núng, nhưng rồi lại động viên nhau cố gắng bám trụ và tích cực cải tạo, khai hoang đất đai để sản xuất, làm ăn.
Đối với nhiều người từng đi kinh tế mới đến xã Nam Đà ngày nào đều ít nhiều có những kỷ niệm khó quên ở vùng đất này. Nào là cảnh tìm rau đay, rau dịu, đào củ rừng để ăn qua ngày, nào là cảnh cả nhà bị sốt rét một lượt, đến nỗi không có người nấu cháo để ăn. Nhưng điều đáng nói, trong khó khăn, mọi người đã đoàn kết, cùng nhau vượt qua gian khổ, bám trụ vươn lên.
Qua thời gian, các mô hình sản xuất của người dân xã Nam Đà ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao |
Phát triển về mọi mặt
Theo UBND xã Nam Đà, ngày 20/4/1978 xã Nam Đà chính thức được thành lập. Trên vùng đất mới, mặc dù trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề, nhưng các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân đã phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, đoàn kết khai hoang, phục hóa, hình thành các vùng đất trồng cây hoa màu, cây công nghiệp, từng bước đưa vùng kinh tế mới Nam Đà ngày càng phát triển, khởi sắc trên nhiều phương diện, lĩnh vực.
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng điểm lại những con số mới thấy được sự phát triển vượt bậc của Nam Đà hôm nay như thế nào. Theo đó, năm 1977, khi ấy toàn xã chỉ có 45 con trâu được cấp và 80 con heo, 225 con gia cầm được nhân dân mang từ quê lên. Thế nhưng, đến năm 2016, toàn xã Nam Đà đã phát triển được 10.580 con gia súc, 74.000 con gia cầm các loại.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp thì công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc, với 15 xưởng cơ khí, 1 cơ sở sản xuất ống nước nhựa, 2 cơ sở cán tôn, 21 cơ sở xay xát, chế biến nông sản… Giá trị ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 80 tỷ đồng. Thương mại - dịch vụ cũng là một trong những nét nổi bật của xã Nam Đà. Tính đến nay, toàn xã đã phát triển 529 cơ sở hoạt động dịch vụ, giá trị đạt 200 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân…
Theo ông Phạm Ngọc Ánh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nam Đà thì những năm 1976 có trên 1.100 hộ dân ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng đã đến xã Nam Đà để khai hoang lập nghiệp. Chặng đường mà cán bộ, nhân dân xã Nam Đà đã đi qua giống như “một giấc mơ có thật”, dành cho những người không cam chịu hoàn cảnh, quyết tâm vượt lên đói nghèo, thay đổi cuộc sống. Chính nhờ đôi bàn tay và khối óc của hàng ngàn hộ dân kinh tế mới đã biến xã Nam Đà từ một vùng đất hoang vu, đói nghèo, lạc hậu trở thành địa phương có nền kinh tế - xã hội phát triển nhất huyện Krông Nô.
Trải qua những năm tháng khó khăn, người dân xã Nam Đà đã tự tin làm giàu trên quê hương thứ hai của mình. Hiện nay, xã Nam Đà đã hoàn thành được 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và dự kiến sẽ về đích trong năm 2017. Mới đây, xã Nam Đà cũng vừa kỷ niệm 40 năm thành lập. Tại buổi lễ, người dân ai cũng cảm kích, biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ địa phương có được thành quả như ngày hôm nay. Phát huy truyền thống đó, các thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục đoàn kết, nỗ lực xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Bài, ảnh: Phan Tuấn
Nguồn tin: Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...