Theo lộ trình này thì năm 2014, các địa phương sẽ phải đẩy nhanh tiến độ; tuy nhiên, đến nay đã gần hết tháng 9 nhưng việc triển khai nguồn vốn cho chương trình này vẫn còn rất chậm.
Do chưa có nguồn vốn nên nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Chư Jút vẫn chưa được triển khai xây dựng |
Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư thì trong năm 2014, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm vốn Trung ương trực tiếp cấp, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và do nhân dân, tổ chức đóng góp.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên tiến độ giải ngân vẫn còn rất chậm. Ví dụ như, trong tổng vốn đầu tư cho chương trình này, nguồn vốn do Trung ương cấp là hơn 41 tỷ đồng, mặc dù số tiền này đã được UBND tỉnh phân bổ cho các địa phương nhưng hiện nay tốc độ giải ngân mới chỉ đạt gần 40%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do nguồn vốn Trung ương phân bổ về chậm, phải đến gần hết tháng 6 mới cấp cho các huyện. Quan trọng hơn, do các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư còn “ì ạch”, cộng với nguồn ngân sách từ huyện ít, việc huy động nguồn lực còn hạn chế. Ngoài ra, công tác thẩm định để xác định mức đầu tư đối với các công trình, dự án còn kéo dài nên đã ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn cho các địa phương.
Tại huyện Đắk Mil, đến thời điểm này, huyện mới chỉ giải ngân được hơn 50% kế hoạch nên nhiều công trình, hạng mục nằm trong diện đăng ký đầu tư vẫn còn “án binh bất động”. Đơn cử như tại xã Đắk R’la, trong năm 2014, riêng về thực hiện tiêu chí đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, xã đăng ký 4 công trình, với mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Thế nhưng, do nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên vẫn chưa được phân bổ về nên chính quyền đành tạm gửi nguồn kinh phí mà người dân đóng góp vào Kho bạc Nhà nước huyện.
Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch UBND xã Đắk R’la phân trần: “Xác định khó khăn về vấn đề vốn nên địa phương đã tích cực khai thác tối đa tiềm lực trong dân. Tuy nhiên, việc huy động tiền của nông dân là rất khó bởi đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Vì thế, địa phương mong rằng, cấp trên sớm giải ngân vốn, từ đó, tạo động lực để vận động, tuyên truyền người dân dễ dàng hơn”.
Tương tự, tại huyện Chư Jút, trong năm nay, địa phương đã đăng ký nhiều hạng mục để thực hiện các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, với nguồn vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, đến hết tháng 8, tiến độ giải ngân của địa phương vẫn còn rất khiêm tốn.
Theo Phòng Tài chính huyện Chư Jút thì trong xây dựng nông thôn mới, không chỉ có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước mà địa phương cũng phải huy động từ nhiều nguồn lực khác trong xã hội. Nhưng, trong năm nay, nguồn phân bổ từ Trung ương về cho địa phương chỉ có 6 tỷ đồng, còn các nguồn lực khác vẫn còn hạn chế. Phía địa phương vừa phải huy động trong dân, vừa tích cực lồng ghép nguồn vốn của nhiều chương trình, dự án để có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trong khả năng có thể.
Cũng theo Sở Kế hoạch-Đầu tư thì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản đốc thúc, chỉ đạo các địa phương từng bước đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Vừa qua, tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra tình hình đầu tư các nguồn vốn, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, từ đó, có hướng giải quyết và đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Riêng địa phương nào có những vướng mắc mà không thể triển khai nguồn vốn cho các hạng mục đã đăng ký, Đoàn sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chuyển vốn sang các chương trình, dự án khác, phấn đấu đến hết năm 2014, tiến độ giải ngân cho chương trình này đạt 100% kế hoạch đã đề ra.
Bài, ảnh: Nguyễn Lương