Cây ca cao mất chổ đứng trên đồng đất Cư Jút

Thứ ba - 17/06/2014 22:44 - Đã xem: 1927
Trong những năm qua, cây ca cao đã được Trạm KN – KN huyện Cư Jút đưa vào trồng thử nghiệm và cho thấy cây ca cao phát triển tốt, nên người dân đã chú trọng phát triển. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, do giá cả hạt ca cao không ổn định nên diện tích ca cao trên địa bàn huyện đã liên tục giảm mạnh, người dân không mấy mặn mà với loại cây trồng này và chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác.
Đây là vườn ca cao 1 ha của gia đình chị Phan Thị Thơm ở xã Ea Pô. Mặc dù được trồng xen ca cao với cây trầm hương, góp phần nâng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác. Tuy nhiên, những năm gần đây cây ca cao liên tục bị mất mùa do dịch bệnh hoặc được mùa thì rớt giá. Thời điểm hiện nay, giá ca cao cũng xuống thấp, chỉ ở mức 37 ngàn đồng/kg hạt khô đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng ca cao. Do vậy, nhiều hộ dân đã phá bỏ diện tích ca cao để trồng cây hồ tiêu, hay những cây công nghiệp khác…. Theo số liệu thống kê: năm 2009 huyện Cư Jut bắt đầu đưa cây ca cao vào trồng thử nghiệm tại địa phương và người dân đã tự phát trồng ca cao có thời điểm diện tích lên đến trên 100 ha. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh, thời điểm giá ca cao trên thị trường là 50.000 đ/kg thì lại mất mùa, còn lúc được mùa thì giá rớt xuống chỉ còn trên 30.000 đ/kg. Trong khi đó giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao nên hầu hết người trồng ca cao đã tự chặt bỏ để trồng hồ tiêu, người dân đã không mặn mà với cây ca cao.
 
Trước tình hình đó, UBND huyện Cư Jut đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh và Phân viện quy hoạch – thiết kế nông nghiệp VN tổ chức Hội thảo để tìm giải pháp phát triển ngành hàng ca cao bền vững trên địa bàn huyện Cư Jut nói riêng và tỉnh Đăk Nông nói chung. Với diện tích ca cao trên địa bàn huyện hiện có thì hầu hết người dân chưa áp dụng các tiến bộ KH kỹ thuật vào thâm canh, nên năng suất đạt không cao và sâu bệnh hại nhiều. Mặt khác, cây ca cao chưa được trồng phổ biến rộng rãi tại địa phương; do đó, người dân chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ca cao; Ngoài ra, việc thu hoạch kéo dài trong năm nên cũng gây khó khăn cho người dân trong việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Một nguyên nhân quan trọng nữa đó là giá ca cao hạt không ổn định nên người dân chưa chú trọng phát triển cây ca cao. Để phát triển ngành hàng ca cao bền vững tại địa phương thì cần phải có sự liên kết giữa 4 nhà “Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học và doanh nghiệp” để người dân yên tâm sản xuất ca cao. Từ đó từng bước tạo vùng nguyên liệu ca cao bền vững, góp phần làm phong phú cơ cấu cây trồng và tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thì người dân cũng không mấy mặn mà với cây ca cao, bởi còn khó khăn về đầu ra, giá cả lại không ổn định
 
Mặc dù, chính quyền cùng các ngành chức năng đang nỗ lực tìm đầu ra ổn định cho cây ca cao nhưng theo các ngành chức năng thì cây ca cao không phù hợp với đồng đất Cư Jut như những  cây công nghiệp khác. Do vậy, việc người dân tự ý chặt bỏ cây ca cao để thay thế những cây công nghiệp khác là việc làm tất yếu đã và sẽ xảy ra. Và việc làm này sẽ làm cho cây ca cao mất dần chỗ đứng trên đồng đất Cư Jút.
Hương Thơm - Thanh Thuỷ

Nguồn tin: Đài TT-TH huyện Cư Jút

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây