Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn mở ra cho người dân Cư Jút

Thứ ba - 17/06/2014 22:47 - Đã xem: 2149
Trước tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thời gian qua Chính phủ đã có những chính sách kích cầu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, duy trì sự phát triển kinh tế chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. Trước tình hình đó, việc ký kết giữa Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh và Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã mở ra một hướng đi mới cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ 1/6/2010, quy định các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có thể được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng... Cũng với hình thức cho vay này, các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thì còn nhiều khó khăn nên người dân vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn. Ông Trần Văn Biên ở TDP 8, thị trấn Ea T’ling cho biết: hiện ông đang quản lý trang trại gà giống, với khoảng 40.000 con gà đẻ trứng. Theo quy trình thì gia đình ông chăn nuôi gà đẻ trứng, cho vào lò ấp và bán gà con ra thị trường nên lợi nhuận thu được từ mô hình này rất cao, mỗi năm sau khi trừ mọi khoản chi phí gia đình ông Biên thu về từ 500 đến 700 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện diện tích đất còn nhưng gia đình ông vẫn còn khó khăn về tiếp cận nguồn vốn.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Đăk Nông, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Đăk Nông và UBND huyện Cư  Jút tổ chức Hội nghị đối thoại chuyên đề tiếp cận tín dụng năm 2014 với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn 3 huyện Cư Jút, Krông Nô và Đăk Mil. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá nhân cũng đã nêu lên nhiều khó khăn mà họ đã, đang gặp phải khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng  như: những vướng mắc khi làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng; đặc biệt là điều kiện thế chấp theo Nghị định 41, Nghị định 61 và nay đã được thay thế bằng Nghị định 210 của Chính phủ. Điển hình như: Công ty TNHH chế biến gỗ Hưng Thịnh ở khu Công nghiệp Tâm Thắng thì gỗ đầu vào chủ yếu mua trong dân nên không có hóa đơn, chứng từ thì làm sao thế chấp cho Ngân hàng.v.v… Vì vậy, đại diện các đơn vị mong muốn các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị được tiếp cận nguồn vốn vay. Đối với những vướng mắc, cũng như đề nghị của các đơn vị, cá nhân, phía các Ngân hàng trên địa bàn đã tập trung giải đáp cụ thể và thỏa đáng cho các đơn vị. qua đó có thể giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục vay vốn từ NH NN&PTNT.

Có thể nói, hiện nay, nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất của các hộ nông dân trên địa bàn huyện nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung là rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn nên người dân được tiếp cận nguồn vốn theo NDD 41 này còn quá khiêm tốn. Do vậy, việc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh và Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Đăk Nông đã ký bản cam kết cho vay giữa Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Đăk Nông với các doanh nghiệp, hộ nông dân là một hướng mở ra cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hương Thơm

Nguồn tin: Đài TT-TH huyện Cư Jút

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây