Từ năm 1993, gia đình ông Nguyễn Văn Dương ở thôn 12 đã trồng cà phê, nhưng sau một thời gian, nhận thấy hiệu quả không cao, do đất ở đây chủ yếu là cát sỏi, nên đã trồng thêm 1000 cây mít giống Thái Lan xen trong vườn cà phê, đem lại hiệu quả rõ rệt. Còn đối với diện tích điều già cỗi, thì được ông trồng xen cây cao su.
Ông Nguyễn Văn Dương ở thôn 12 làm giàu từ việc chăn nuôi heo, gia cầm, cá. |
Theo ông Dương thì việc trồng xen canh thế này không những đáp ứng nhu cầu lấy ngắn nuôi dài, mà còn nâng cao hiệu quả cây trồng. Bên cạnh đa cây, ông Dương còn đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại, hiện có khoảng 180 con heo thịt, 25 con heo nái, hàng trăm con gà và 5 sào ao thả cá.
Ông Dương cho biết: “Ban đầu, gia đình tôi chỉ ý định nuôi bò thôi, nhưng sau vài năm thử nghiệm cho thấy, nuôi bò không chỉ tốn công mà thời gian chăm sóc cũng lâu, dẫn đến lợi nhuận không bao nhiêu, nên chuyển đổi sang nuôi heo và gia cầm. Trong quá trình chăn nuôi, để giảm thiểu những rủi ro, gia đình tôi đã xây chuồng trại đúng chuẩn, khép kín, thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại nhằm phòng, tránh dịch bệnh, nhất là thời điểm này”.
Với sự mạnh dạn, chịu khó tìm tòi, học hỏi, đến nay, trung bình mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông Dương thu được trên 500 triệu đồng, trở thành một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.
Tương tự, ông Vi Văn Na ở thôn 10 cũng đã quyết định kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện tại, gia đình ông không chỉ trồng hoa màu, nuôi heo, bò, rùa mà còn nuôi hơn 300 con rắn đủ loại. Theo ông Na thì nuôi rắn không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần cho ăn uống, đảm bảo vệ sinh, chuồng trại, hầm ở luôn khô ráo thì nguy cơ bị mắc các bệnh tật sẽ rất nhỏ. Sau gần 4 năm nuôi rắn, gia đình ông đã bán được 2 đợt được khoảng 300 triệu đồng.
Ông Na cho biết: “Gia đình tôi chăn nuôi theo kiểu gối đầu, bán rắn thịt, nhưng vẫn chừa lại để nhân giống, sinh sản, nên không tốn tiền mua con giống. Hơn nữa, tôi nuôi rắn có sự cho phép của cơ quan chức năng, nên khi đưa ra các địa phương khác bán cũng thuận lợi hơn, hiện tại đầu ra rất lớn”.
Theo ông Vũ Trung Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Dong thì hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng đa cây, đa con trên địa bàn xã đã được chính quyền khoanh vùng và khuyến khích nông dân làm để nâng cao thu nhập. Đối với những vùng đất không thích hợp thì các cấp hội thường xuyên tuyên truyền, vận động và động viên nông dân không nên chạy theo phong trào, tránh những rủi ro trong sản xuất.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và hỗ trợ về kinh nghiệm cũng như phân bón theo hình thức trả chậm. Vì vậy, toàn xã hiện có 1.170 hội viên nông dân thì trên 400 người được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đây là thực tế chứng minh cho việc sản xuất nông nghiệp theo hướng đa cây, đa con mà nông dân trên địa bàn xã đang thực hiện là phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Bài, ảnh: Hoàng Bảo