“Xốc” lại sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu - 29/11/2013 02:55 - Đã xem: 3620
Nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phương thức tiếp cận các mô hình sản xuất, đầu tư có trọng điểm… là những vấn đề được đưa ra trong buổi làm việc của đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy với tập thể lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT mới đây.

Nhận diện rõ lợi thế

Nói về hiện tượng trồng-chặt một số cây trồng hiện nay, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Có một thực tế ở Ðắk Nông, nếu những cây trồng nào được giá là bà con ào ạt trồng và mất giá thì ngược lại. Cho dù ngành chức năng, địa phương có tuyên truyền, giải thích đến đâu đi nữa thì vẫn “mạnh ai người đó làm”. Như giá hồ tiêu hiện nay đang ở mức cao, ngay lập tức, bà con các địa phương đua nhau trồng, nên chỉ trong một thời gian ngắn toàn tỉnh có hơn 2.000 ha hồ tiêu mới. Tổng diện tích trồng hồ tiêu toàn tỉnh đã hơn 12.000 ha, chưa kể nhiều diện tích không thống kê hết, trong khi quy hoạch cây trồng này chỉ dưới 10.000 ha. Khi cây tiêu được trồng ồ ạt, chắc chắn nhiều loại cây trồng khác sẽ bị giảm diện tích...Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao giúp nông dân canh tác ổn định với từng loại cây trồng để hạn chế tình trạng chặt-trồng như vừa qua”.

Qua khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, mong muốn lớn nhất của người làm trang trại trong tỉnh là được nâng cao kỹ thuật sản xuất

 

Tìm đầu ra cho việc canh tác ổn định, ông Tuấn nêu dẫn chứng, như trường hợp cây sắn, từ nhiều năm qua, tỉnh không khuyến khích nông dân trồng vì nguy cơ đất bạc màu cao. Tuy nhiên, qua tìm hiểu ở các tỉnh miền Trung và Tây Ninh, nhiều địa phương có hơn 20.000 ha sắn và bà con đã gắn bó với cây trồng này hàng chục năm rồi, nhưng đất không bạc màu?!. Bởi vì các địa phương này đã trồng những giống sắn mới cho năng suất lên đến 30 tấn/ha (trong tỉnh từ 17-18 tấn/ha), nhưng không thoái hóa đất. Vì vậy, ở Ðắk Nông, với phần đông bà con nghèo quen trồng sắn thì hoàn toàn có thể phát triển thành cây hàng hóa, nếu tổ chức sản xuất lại.

Ðể tăng hiệu quả trong đầu tư, ông Phạm Hữu Hào, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi phân tích: “Thông thường, ở không ít địa phương vẫn chú trọng phát triển vùng trồng lúa ở dưới các chân đập. Tuy nhiên, cây lúa cần nhiều nước tưới, nhưng tỷ lệ đáp ứng của các hồ đập thủy lợi có giới hạn. Qua khảo sát, chi cục đã phối hợp với một số địa phương ở huyện Chư Jút, chuyển đổi những chân ruộng trồng lúa bấp bênh nước sang trồng ngô, đậu. Hiện tại, nông dân nhiều địa phương rất ủng hộ cách làm này, vì nếu dùng nước hồ đập tưới cho ngô, đậu, hay các loại cây công nghiệp thì chỉ bằng một phần nhỏ lượng nước tưới cho cây lúa”.

Liên quan đến vấn đề tổ chức sản xuất, ông Nguyễn Ðức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Trước mắt, ngành Nông nghiệp phải triển khai công tác quy hoạch ngành. Ðây là cơ sở để các cơ quan chuyên môn tham mưu tỉnh đầu tư có trọng điểm cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Như cây cà phê, trước đây toàn tỉnh quy hoạch trồng 65.000 ha thì không phù hợp với tình hình sản xuất trong giai đoạn hiện nay. Còn như cây hồ tiêu cũng vậy, chúng ta không mở rộng diện tích nữa, cả tỉnh trồng từ 7.000-9.000 ha là được. Muốn làm tốt, ngành Nông nghiệp, các địa phương phải làm sao giữ cây hồ tiêu phát triển bền vững, hạn chế nguy cơ dịch hại tràn lan. Và ở đây, chính lực lượng bảo vệ thực vật tỉnh phải sáp vào làm quyết liệt”.

Khắc phục từ… con người

Nói về vấn đề hỗ trợ nông dân nắm bắt kỹ thuật sản xuất, ông Nguyễn Tuấn Khải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh nêu dẫn chứng: “Ðiểm yếu hiện nay là ở khâu con người. Cụ thể như lực lượng khuyến nông viên toàn tỉnh có hơn 800 cán bộ, nhưng trình độ đại học, cao đẳng chỉ 11 người, 50% hết lớp 12 và số còn lại trình độ cấp 1, cấp 2. Với nguồn lực con người chỉ có vậy thì phải đào tạo, nâng cao trình độ. Thế nhưng, hàng năm toàn tỉnh phân bổ cho ngành Khuyến nông chỉ có 6,7 tỷ đồng, trong đó trả lương mất hết 6 tỷ đồng, số tiền còn lại chỉ đủ tổ chức vài đợt tập huấn, truyền đạt kỹ năng cho nông dân là hết, chứ nói gì đến nâng cao trình độ cán bộ”.

Theo ông Khải, để nâng cao kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong tỉnh, vấn đề không nằm ở quy mô nguồn vốn đầu tư mà là do yếu tố con người hỗ trợ. Ngay cả một cán bộ nông nghiệp cấp huyện mà còn khuyên nông dân nên để ngô lai, lúa lai trồng trong vườn về làm giống cho năm sau, như vậy là “chết rồi”…

Cũng bàn về nguồn lực con người, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ ra, ngay trong quá trình rà soát, bóc tách các dự án đầu tư nông, lâm nghiệp, riêng ngành Nông nghiệp không thể “kham” nổi. Ðể xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả cần có sự tham gia giữa các ngành và địa phương. Qua đây, những dự án nào không hiệu quả thì thu hồi và sắp xếp lại sản xuất cho hợp lý.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Huy nhấn mạnh, để sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả cao hơn, khâu đầu tư cho con người là rất quan trọng. Ngay như cán bộ nông nghiệp ở cương vị lãnh đạo các phòng, ban cấp sở, chi cục và cấp huyện phải giỏi về chuyên môn thực sự.

Nếu chỉ có giỏi về công tác quản lý nhà nước, mà chuyên môn yếu thì không thể làm tham mưu tốt cho lãnh đạo và hướng dẫn nông dân hiểu rõ kiến thức sản xuất nông nghiệp…Như vậy, việc bố trí, sắp xếp cán bộ và chủ động nâng cao trình độ cho cán bộ làm nông nghiệp là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Công Tính


Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây