Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi gia cầm

Thứ ba - 09/09/2014 04:40 - Đã xem: 1143
Phát huy những điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển chăn nuôi các loại gia cầm và đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê, toàn huyện Đắk Mil hiện có đàn gia cầm khoảng 52.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã như Đức Minh, Đức Mạnh, Long Sơn... Để giúp bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thời gian qua, ngành chức năng cũng như các địa phương đã chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tiến hành các biện pháp chăn nuôi an toàn.

Ông Nông Văn Pèng ở thôn 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong) chăn nuôi gà thả vườn tăng thêm thu nhập. Ảnh: Hồ Mai

Cụ thể như việc mua con giống ở những địa chỉ có uy tín, thực hiện vệ sinh phòng dịch qua việc cấp phát thuốc tiêu độc khử trùng ở những khu vực công cộng, điểm kinh doanh gia cầm. Nhờ đó, đàn gia cầm liên tục phát triển, tổng đàn năm sau luôn cao hơn năm trước.

Gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Đức Vinh, xã Đức Minh (Đắk Mil) nhiều năm nay luôn có đàn gà siêu trứng khoảng 3.000 con. Trung bình mỗi ngày xuất bán khoảng 2.700 quả trứng, thu về gần 5 triệu đồng; cả năm đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí các khoản như giống, cám cho gà ăn, thuốc bổ và men vi sinh, vắc xin, khấu hao chuồng trại, công chăm sóc, gia đình chị còn lãi khoảng hơn 300 triệu đồng/năm.

Chị Dung cho biết: “So với gia súc thì gia cầm có chi phí đầu tư thấp hơn, chuồng trại quy mô nhỏ hơn, công chăm sóc cũng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, người nuôi phải siêng năng, cần cù, bởi lúc nào cũng có việc để làm. Quan trọng nhất là ở khâu phòng dịch, cụ thể như vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày, gia đình tôi đều thu gom xử lý chất thải, phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng trại theo định kỳ, tiêm phòng và chủng vắc xin đầy đủ, kịp thời. Trong quá trình nuôi, gia đình luôn bổ sung thêm men tiêu hóa và vitamin một tuần 3 lần vào khẩu phần thức ăn của gà để tăng sức đề kháng”.

Còn ở các xã Đức Xuyên, Quảng Phú, Buôn Choáh (Krông Nô), nhiều hộ gia đình lại đầu tư nuôi vịt. Chị Đàm Thị Chi, ở thôn 5, xã Buôn Choáh luôn duy trì đàn vịt thịt trên dưới 500 con. Theo chị Chi thì với điều kiện là nhà có ao cá, phía trước có đồng nên sau mùa thu hoạch lúa là thời điểm đàn vịt của gia đình chị phát triển nhanh nhất bởi lượng thức ăn dồi dào.

Chỉ sau hơn 2,5 tháng nuôi, vịt đã đạt trọng lượng từ 2,5- 3 kg, với giá bán 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con vịt cũng có lãi khoảng 75.000 đồng. Trung bình mỗi năm, chị nuôi được 3 lứa, xuất bán khoảng 1.400 con, sau khi trừ mọi chi phí cũng thu được 100 triệu đồng.

Chị Chi cho biết: “Giống vịt tôi chọn nuôi nhiều năm nay là vịt bầu cánh trắng với những ưu điểm như kháng bệnh cao, phát triển nhanh, luôn được thị trường ưa chuộng”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Krông Nô, hiện nay, việc chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trên địa bàn đang có xu hướng phát triển nhanh, với tổng đàn khoảng 227.000 con. Nhiều hộ gia đình đã chú trọng tới việc đầu tư chuồng trại, học tập kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh để sản xuất với quy mô hàng ngàn con mỗi lứa nuôi.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì việc phát triển chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng của nông dân là một hướng đi đúng, góp phần vào việc tăng tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thu nhập của ngành nông nghiệp. Tổng đàn gia cầm của toàn tỉnh hiện cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 1.300.000 con và đang ngày càng phát triển.

Điều đáng mừng là không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn bắt đầu cung ứng cho các tỉnh lân cận. Bên cạnh việc tăng đàn thì ngành cũng chú trọng việc hướng dẫn, hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm đảm bảo không bị thiệt hại do dịch bệnh phát sinh, sản xuất ra sản phẩm từ gia cầm như thịt, trứng đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trần Lê


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây