Cần tăng cường quản lý chất lượng phân bón

Thứ sáu - 11/10/2013 04:10 - Đã xem: 980

Cần tăng cường quản lý chất lượng phân bón

Qua phân tích 40 mẫu phân bón thì có tới 16 mẫu kém chất lượng, 7 mẫu giả và chỉ có 17 mẫu đạt chất lượng. Thực tế cho thấy, thị trường phân bón đang làm cho người dân lâm vào “ma trận”, không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Nhiều nông dân mua phân bón chỉ bằng “cảm quan”
Anh Phạm Văn Thi ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cho biết: “Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại phân bón làm cho tôi không biết nên chọn loại nào. Trước đây, tại các đại lý chủ yếu có khoảng 3-4 loại phân bón cho cây cà phê, nhưng nay thì nhập về hàng chục loại, tiêu chuẩn, chất lượng ghi trên bao bì thì cứ na ná giống nhau. Mỗi năm, gia đình tôi phải đầu tư vài chục triệu đồng để mua phân bón cho 1 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Tôi chủ yếu mua những loại mà mình thường dùng, cũng theo cảm quan là chính, may nhờ rủi chịu”.
Cũng như anh Thi, không ít nông dân hiện nay đều không thể phân biệt được đâu là phân bón đảm bảo chất lượng, nên chuyện tiền thì bị mất còn cây trồng thì bị giảm năng suất cũng đã từng xảy ra ở một số nơi. Mấy năm trước đây, ở các xã Ðắk R’tíh, Ðắk Búk So (Tuy Ðức), một số hộ mua phân về bón cho cà phê và một thời gian sau thì toàn bộ vườn cây lá đang xanh ngả dần sang màu vàng, héo và bị rụng.
Phải tăng cường quản lý chất lượng phân bón
Có thể nói, trên địa bàn tỉnh, phân bón “dởm” đã len lỏi đến các hộ dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Trước tình hình này, trong những năm gần đây, Sở Nông  nghiệp –PTNT đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm.
Trong năm 2012, Sở đã tổ chức 2 đợt thanh tra đột xuất tại 66 đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh và lấy 38 mẫu phân bón của 31 công ty gửi đi phân tích lần 1 tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Kết quả cho thấy, trong số 38 mẫu này có tới 19 mẫu không đảm bảo hàm lượng các chất như P2O5, K2O, N; thậm chí có những mẫu phân giả hàm lượng N chỉ đạt 0,35%, P2O5 0,16%, K2O 0,18%.
Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp –PTNT cũng đã lập đoàn thanh tra diện rộng về chất lượng phân bón trên địa bàn 7 huyện và thị xã. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở còn mắc các lỗi như: cách thể hiện các thành phần công bố hàm lượng hữu cơ, N-P-K, trung vi lượng, chất điều hòa sinh trưởng không chính xác như trong danh mục phân bón; tên phân bón không đúng so với tên đã đăng ký trong danh mục; nội dung cảnh báo an toàn chưa có hoặc chưa rõ ràng…
Ðáng chú ý, sau khi lấy và gửi 147 mẫu phân bón để phân tích kiểm tra chất lượng, trong số 40 mẫu đã có kết quả phân tích thì có tới 16 mẫu kém chất lượng, 7 mẫu phân bón giả và chỉ có 17 mẫu đạt chất lượng.
Theo ông Nguyễn Phi Ðường, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp –PTNT thì hiện nay, cả nước có trên 6.500 loại phân bón và đang làm khó cho nông dân trong việc lựa chọn sản phẩm cũng như cơ quan chức năng về quản lý chất lượng sản phẩm. Khâu quản lý sản xuất và chất lượng phân bón còn nhiều bất cập, điều kiện để thành lập các cơ sở sản xuất quá dễ và việc xử phạt cơ sở, doanh nghiệp vi phạm lại quá thấp.
So với lợi nhuận từ việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng thì mức phạt chỉ vài chục, vài trăm triệu đồng là không thấm thía gì nên tính răn đe không cao. Nhà nước cần phải siết chặt quản lý ngay từ gốc, nâng cao điều kiện về cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh như: dây chuyền sản xuất phải tốt, quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm đảm bảo và thanh tra, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường; đồng thời tăng cao mức phạt đối với những đơn vị vi phạm.
Ông Ðường cũng khuyến cáo, về phía nông dân thì nên chọn mua phân bón của các hãng có uy tín, các nhà máy đầu tư dây chuyền sản xuất tốt. Phân bón “dởm” thường tập trung ở vùng sâu, vùng xa và nếu nông dân nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng thì trình báo lên các cơ quan chức năng biết để xử lý.
Từ đầu năm đến nay, về phía ngành nông nghiệp cũng đã nhận được 4 đơn phản ánh của nông dân nghi ngờ về một số sản phẩm phân bón không đảm bảo chất lượng và qua kiểm tra, phân tích cho thấy đã có 1 mẫu là phân giả, 1 mẫu đạt tiêu chuẩn và 1 mẫu đang chờ kết quả. Hiện nay, các tổ chức đoàn thể thường phối hợp với các công ty, cơ sở sản xuất phân bón về giới thiệu sản phẩm mới và liên kết bán cho nông dân bằng hình thức trả chậm hoặc có những ưu đãi về giá thì nên cẩn trọng, kẻo mua phải hàng kém chất lượng.
Thanh Nga

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây