Công trình thủy lợi Chư Bu phục vụ tưới cho cánh đồng rộng gần 80 ha của người dân xã Nam Dong đã khô cạn trơ đáy hơn 10 ngày qua, đến thời điểm này đã có gần 30 ha lúa đã bị khô hạn vì thiếu nước tưới. Người dân tiếc công và chi phí nên cắt bỏ đem về cho bò ăn. Nhiều gia đình không chăn nuôi đành bỏ mặc lúa chết khô.
Khoảng 50 ha lúa còn lại trên cánh đồng của vụ đông xuân này, diện tích mất trắng đang tăng dần hoặc năng suất và chất lượng cũng giảm khoảng 50 -70%. Do hầu hết các diện tích lúa đều phụ thuộc vào nguồn nước của đập Chư Bu, trong khi đó, ngay từ đầu vụ lượng nước tích trữ tại công trình này thấp hơn mọi năm 1 m và tình trạng nước bị thấm qua đập đã gây thất thoát nghiêm trọng.
Hồ chứa Chư Bu, xã Nam Dong (Chư Jút) cạn trơ đáy |
Còn tại cánh đồng dưới chân đập Ea Diêr, trong hơn một tháng qua, Chi nhánh Công ty Khai thác công trình thủy lợi huyện Chư Jút đã cử người túc trực bơm tưới được hơn 4 đợt. Thời gian bơm tưới còn kéo dài khoảng từ 25-30 ngày nữa, tức là sẽ kết thúc vào đầu tháng 5, khi bà con chuẩn bị thu hoạch lúa.
Trước những dự báo về nắng hạn trong vụ đông xuân năm nay sẽ gay gắt, rút kinh nghiệm các năm trước, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện đã chủ động xây dựng phương án chống hạn, ngoài những công trình đã xuống cấp như hồ Chư Bu thì những hồ chứa còn lại lượng nước trong các hồ chứa đủ theo dung tích thiết kế.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, địa phương tiến hành tu sửa các công trình thủy lợi trên địa bàn, triển khai nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương để đảm bảo đủ lượng nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân.
Theo thống kê, huyện có 9 công trình hồ chứa, đập thủy lợi cung cấp nước cho phần lớn diện tích cây trồng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, nếu thời tiết khô hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn thì tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới đối với diện tích cây trồng lâu năm như cà phê, hồ tiêu... có thể xảy ra.
Theo bà Đào Thị Biện, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện thì đến thời điểm hiện nay, tại trạm bơm Ea Pô (xã Ea Pô), mọi năm thường thiếu nước nhưng năm nay nhờ sử dụng nguồn nước từ suối nước ngầm nên đủ nước để bơm tưới phục vụ sản xuất.
Còn đối với các hồ chứa còn lại như công trình thủy lợi Đắk D'rông (xã Đắk D'rông), Công trình thủy lợi Trúc Sơn (xã Trúc Sơn), Công trình thủy lợi tiểu khu 839, tiểu khu 840 (xã Đắk Wil)… đơn vị phối hợp với các tổ thủy nông của các xã điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nên đã đảm bảo đủ nước cho cây trồng trong trường hợp nắng nóng kéo dài.
Về phía địa phương, để bảo đảm cho sản xuất vụ đông xuân những tháng còn lại, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý và khai thác công trình thủy lợi, thực hiện điều tiết nước phục vụ sản xuất một cách hợp lý.
Việc chống hạn, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp đang trở thành vấn đề quan tâm hiện nay tại tất cả các địa phương của tỉnh trong vụ đông xuân này. Do vậy, trước những biến đổi khó lường của thời tiết như hiện nay, ngoài một số diện tích mất trắng tại xã Nam Dong thì các cấp, ngành huyện Chư Jút đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp quản lý, sử dụng nguồn nước hiệu quả để những diện tích cây trồng còn lại đảm bảo đạt kết quả trong vụ đông xuân 2014 - 2015 này.
Anh Trần Văn Khoa ở thôn 3 cho biết: “Gia đình tôi năm này trồng 9 sào lúa nhưng không thu hoạch được hạt nào vì nước hồ thủy lợi cạn quá sớm. Bây giờ, tôi đành phải cắt bỏ toàn bộ 9 sào lúa để chuẩn bị cho vụ tới”. Anh Trần Văn Khoa ở thôn 3, cắt bỏ hết toàn bộ 9 sào lúa vì nắng hạn Còn ông Bế Ngọc Lang ở thôn 12 bộc bạch: “Tôi thấy lúa chết khô như vậy thì tiếc của lắm nên dắt 2 con trâu ra cho ăn. Mấy ngày qua, trên cánh đồng này, ngày nào cũng có hàng trăm con trâu được bà con lùa ra ruộng cho ăn lúa”. | ||
Bài, ảnh: Văn Tâm