Tỉnh lộ 4 xuống cấp nghiêm trọng

Thứ ba - 03/11/2015 03:28 - Đã xem: 2070
Tỉnh lộ 4 có chiều dài hơn 111 km, nối từ thị xã Gia Nghĩa qua các huyện Đắk Glong, Krông Nô đến Chư Jút. Hiện nay tuyến đường này đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, giao thương hàng hóa và nhiều đoạn không bảo đảm an toàn giao thông. Tình trạng xuống cấp là thế, nhưng việc khắc phục, sửa chữa chưa kịp thời và gặp rất nhiều khó khăn.

HIỆN TRẠNG BUỒN

Trừ 21 km đã được sửa chữa, còn khoảng 90 km (từ km 3 đến km 90) đều đã bị hư hỏng. Hư hỏng nghiêm trọng nhất là đoạn từ km 49 đến km 67. Tại đoạn này, mặt đường nhựa đã bị phá vỡ kết cấu hoàn toàn, nền đường bị sụt lún, tạo nên những hố sâu lớn, tiềm ẩn xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Đoạn từ km 67 đến km 77, nền đường bị cày xới, đất đá trồi lên lởm chởm. Khi trời mưa thường lầy lội, rất khó khăn trong việc lưu thông, nhất là các xe chở hàng hóa, nông sản.

Anh Hồ Công Huân, một tài xế lái xe khách chạy chuyến tuyến Gia Nghĩa đi Krông Nô cho hay: “Trước đây, đường chưa hư hỏng thì với quãng đường dài khoảng 90 km, lái xe chỉ mất khoảng một giờ rưỡi đồng hồ là đến nơi, còn bây giờ mất gần 3 giờ. Chính vì thế, tất cả những xe khách chạy tuyến cố định như tôi đều chạy vòng theo tuyến quốc lộ 14. Dù đi xa hơn, nhưng lại rút ngắn được thời gian. Bên cạnh đó, chạy xe khách mà lưu thông trên những tuyến đường gồ ghề như vậy thì rất dễ xảy ra tai nạn".

Xe khách có thể đi vòng để tránh đường xấu, còn những xe vận chuyển nông sản, chở các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa thì vẫn phải chạy theo tuyến đường này. Chi phí lưu thông tăng lên do kéo dài thời gian và tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Cũng vì vậy mà các chủ thu mua luôn ép giá thu mua nông sản. Trong khi đó giá hàng hóa dịch vụ đến với dân lại cao hơn.

Có lẽ cơ cực nhất là cảnh bệnh nhân phải chuyển viện qua tuyến đường này. Bà Lê Thị Hương, một người dân ở xã Quảng Phú (Krông Nô) cho hay: “Đã có mấy trường hợp ở xã tôi bị đau nặng. Xe chưa chở được ra bệnh viện cấp cứu thì đã tắt thở. Đường lắm “ổ voi”, “ổ trâu” người khỏe đi còn mệt huống chi người bị bệnh. Chúng tôi chỉ mong sao cấp trên quan tâm mà tu sửa lại đường để người dân đỡ khổ”.

Đoạn Km 52 bị sụt lún nghiêm trọng

VẪN CHỜ VỐN...

Nguồn vốn là rào cản lớn nhất trong việc khắc phục sửa chữa tuyến tỉnh lộ 4. Hàng năm, tỉnh được ngân sách Trung  ương bố trí khoảng 35 tỷ đồng cho việc sửa chữa đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, 10 tỷ đồng được bố trí cho 8 huyện, thị phục vụ sửa chữa các tuyến đường thuộc cấp này quản lý. 25 tỷ còn lại được bố trí cho 7 tuyến tỉnh lộ. Số kinh phí này chỉ dùng để lấp “ổ gà”, duy tu bảo dưỡng cho 7 tuyến tỉnh lộ cũng đã chật vật. Nếu dùng để sửa chữa thì may ra chỉ sửa chữa được vài km của tuyến tỉnh lộ 4.

Ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Kinh phí để sửa chữa tuyến tỉnh lộ này là rất lớn, vượt quá nguồn lực của tỉnh. Sở đã có rất nhiều văn bản gửi Bộ Giao thông – Vận tải xin kinh phí để khắc phục. Những đoạn cần phải khắc phục ngay như đoạn từ km 49 - km 56, Bộ hứa cuối năm sẽ bố trí, nhưng vẫn chưa chắc chắn. Đoạn km 52 thuộc dự án đầu tư của Bộ Giao thông – Vận tải hiện đã tiến hành sửa chữa nhưng đang dang dở thì dừng lại vì gặp khó khăn về vốn. Còn đoạn từ Km 59 - km 77, đơn vị phải chờ kinh phí năm 2016 và những năm tiếp theo".

Cũng theo ông Hùm, trước mắt Sở Giao thông – Vận tải triển khai biện pháp tạm thời là san gạt những điểm sụt lún, lấp những “ao nước” giữa đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Đối với đoạn km 3- km49, chỉ hư hỏng cục bộ, Sở sử dụng kinh phí từ nguồn bảo trì đường bộ hàng năm để vá lấp.

Nhưng việc làm trên chỉ khắc phục được tạm thời. Mật độ xe tải lưu thông trên tuyến đường này khá đông. Chỉ cần vài chục lượt xe đi qua, tình trạng hư hỏng lại có thể xảy ra. Tỉnh lộ 4 đang rất cần sự đầu tư để sửa chữa khắc phục một cách căn cơ, đầy đủ.

Bài, ảnh: Phạm Khánh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây