Cư Jút là huyện có tiềm năng và lợi thế để phát triển Kinh tế - Xã hội, là vùng đất được trải đều trên một địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, phù hợp với nhiều loại cây trồng như: Cà phê, Cao su, hồ tiêu, mía, đậu đỗ các loại... Huyện có quốc lộ 14 đi qua nên rất thuận lợi cho việc giao lưu, vận chuyển hàng hóa với các huyện trong tỉnh cũng như trong cả nước. Huyện Cư Jút hiện có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 07 xã và 01 thị trấn gồm: 127 thôn, buôn, bon, tổ dân phố, trong đó có 10 buôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Năm 1990 khi mới thành lập, toàn huyện có gần 20.000 người đến nay đã có gần 97.000 người với 20 dân tộc anh em cùng chung sống.
Thời kỳ đầu mới thành lập huyện Cư Jút gặp không ít khó khăn, nhưng dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, huyện đã từng bước vận dụng đường lối chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh vào tình hình thực tế huyện nhà. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện vận dụng và phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự quan tâm tạo điều kiện của các Sở, Ban ngành của tỉnh, tích cực khai thác mọi thế mạnh tiềm năng và nguồn lực sẵn có, phát huy nội lực, phấn đấu giành thắng lợi tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và trong đời sống kinh tế, xã hội.
Từ một nền kinh tế du canh, du cư với phương thức canh tác lạc hậu, đến nay đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trong huyện Cư Jút đã biết làm thủy lợi, trồng lúa nước và các loại cây nông sản, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 9%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CN - Xây dựng, Thương mại – Dịch vụ, Nông – Lâm nghiệp; trong đó: Tỷ trọng ngành CN – XDCB chiếm 39%, thương mại dịch vụ chiếm 33%, Nông lâm nghiệp chiếm 28%; Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt trên 2.700 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 40.000ha, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 141.000 tấn. Sản xuất CN-TTCN, xây dựng và thương mại dịch vụ được chú trọng đầu tư nên phát triển khá toàn diện. Từ khi mới thành lập ngành công nghiệp - hầu như chưa có gì, đến nay ngành CN-TTCN toàn huyện đã có 565 cơ sở sản xuất. Trong những năm qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện phát triển khá tốt, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, hàng năm huy động vốn của toàn xã hội đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng đạt 30-35 tỷ đồng, đặc biệt là huy động nhân dân trong việc hiến đất, tài sản trên đất để làm đường giao thông nông thôn góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới ước giá trị lên tới trên 15 tỷ đồng, mỗi năm lại có hàng chục công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả, tạo cho bộ mặt của huyện có nhiều khởi sắc theo hướng CNH, HĐH Nông nghiệp, nông thôn.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm đầu tư đúng mức. Sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ, qui mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, bậc học được mở rộng. Hiện toàn huyện có 47 trường và 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên, có 761 lớp với trên 22.000 học sinh, có 14 trường đạt chuẩn Quốc gia. Huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2008, đến năm 2009 đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Hưởng ứng cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", đến nay toàn huyện có 95 % cơ quan, 80% thôn, buôn, bon, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, 85% số hộ đạt gia đình văn hóa, đã có 02 xã đạt xã văn hoá. Hệ thống truyền thanh, truyền hình huyện và cơ sở tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng kỹ thuật, thiết bị. Đến nay toàn huyện đã phủ sóng Đài phát thanh và truyền hình, trên 90% thôn, buôn, bon, tổ dân phố được nghe công tác tuyên truyền của hệ thống Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn.
Cùng với phát triển Kinh tế - Xã hội, công tác xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Những ngày đầu mới thành lập toàn huyện mới có 03 tổ chức cơ sở Đảng với 70 đảng viên, đến nay có 32 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó gồm 12 Đảng bộ, 20 Chi bộ trực thuộc, 226 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở. Tổng số đảng viên toàn Đảng bộ 2.567 đồng chí. Đã tập trung kiện toàn củng cố những tổ chức đảng yếu kém, xoá được các buôn, bon, tổ dân phố trắng đảng viên, trắng tổ chức đảng theo tinh thần Nghị quyết 02 của BTV Tỉnh uỷ Đăk Nông. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tốt hơn sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương.
(Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện Cư Jút 19/6/1990 - 19/6/2010)
Ghi nhận những thành tựu mà Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc huyện CưJút đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong 25 năm qua, năm 2010 Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba cho nhân dân và cán bộ huyện Cư Jút. Năm 2012 được Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông tặng Cờ thi đua xuất sắc cho nhân dân và cán bộ huyện Cư Jút. Năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho nhân dân và cán bộ huyện Cư Jút vì đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2012 của tỉnh Đăk Nông. Đây là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người dân huyện CưJút, từ đó phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết xây dựng huyện Cư Jút trở thành địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh. Đ/c: Hoàng Văn Tám
Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình Cư Jút