Công tác giảm nghèo ở Chư Jút: Kết quả còn thấp so với mục tiêu đề ra

Thứ tư - 17/09/2014 04:05 - Đã xem: 1359
Mặc dù huyện Chư Jút đã ban hành nhiều văn bản, triển khai các giải pháp và thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho người nghèo nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên công tác giảm nghèo ở địa phương này trong thời gian qua vẫn còn đạt thấp.

Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2013 (theo tiêu chí mới) thì toàn huyện còn tới 2.084 hộ nghèo, chiếm hơn 10% tổng số hộ trên địa bàn. Như vậy, sau 4 năm từ năm 2010, huyện Chư Jút chỉ giảm được 139 hộ nghèo, không đạt mục tiêu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo hàng năm mà Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra.

Điều đáng nói là, trong thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, nhất là về vay vốn ưu đãi của Nhà nước. Địa phương đã hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục cho người nghèo.

Số người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế bình quân mỗi năm là 7.500 người, số người khám chữa bệnh hàng năm bình quân khoảng 8.500 lượt người. Số  học sinh, sinh viên nghèo được miễn học phí là 1.135 trường hợp, với tổng số tiền gần 3,5 tỷ đồng.

Từ năm 2009 đến nay, huyện đã xây dựng 265 căn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí thực hiện xây dựng là trên 9,5 tỷ đồng, trong đó có trên 3,6 tỷ đồng là kinh phí của các gia đình, còn lại là nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ, doanh nghiệp và vay từ Ngân hàng Chính sách-Xã hội. Địa phương xây dựng được 50 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng vốn đầu tư gần 21,5 tỷ đồng, có 4.991 hộ được hưởng thụ, trong đó có 2.508 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ quý II/2011 đến năm 2013, huyện đã hỗ trợ tiền điện thắp sáng cho khoảng 7.000 lượt hộ với tổng số tiền trên gần 2,4 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 90.000 đồng/quý. Ngoài ra, địa phương còn có chính sách khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề cho người dân.

Huyện cũng hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn như hỗ trợ cho 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số  với tổng kinh phí nhà nước cấp là 2,8 tỷ đồng để giải quyết nước sạch. Từ năm 2010-2013, địa phương đã đào tạo nghề cho 2.432 người.

Được biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Jút đã lãnh đạo, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những mục tiêu cụ thể trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015 là phấn đấu hàng năm đưa tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm 3%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 5-6% so với năm trước, không để tái nghèo. 100% hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, từ 95% hộ nghèo trở lên được hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ thuật làm ăn, 100% hộ nghèo khó khăn về nhà ở sẽ được hỗ trợ nhà ở, khi ốm đau được khám, chữa bệnh miễn phí, con em đi học được giảm học phí…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Huyện ủy Chư Jút thì tình hình giảm nghèo qua các năm không đạt được theo nghị quyết đã đề ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình suy thoái kinh tế,  thiên tai mất mùa cục bộ trên địa bàn, trượt giá, dịch bệnh làm cho một số cây trồng như cà phê, tiêu, đậu một số vùng chết hàng loạt đã làm thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng thu nhập, đời sống của một số hộ nghèo trên địa bàn, nhất là tại các xã như Ea Pô, Đắk Wil, Đắk D’rông. Do đó nguy cơ tái nghèo cao, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm của địa phương không đạt kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chưa đúng mức. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể huyện và cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác giảm nghèo thiếu đồng bộ, tinh thần trách nhiệm chưa thực sự nhiệt tình, chưa tận tụy với công việc, chưa xuống tận cơ sở để chỉ đạo và tham gia các buổi hội, họp ở cơ sở dẫn đến hiệu quả về công tác rà soát giảm nghèo chưa cao.

Các cấp chính quyền tại cơ sở điều tra, đánh giá hộ nghèo chưa minh bạch, còn cả nể, đưa người thân quen của mình vào hộ nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giảm nghèo. Nguồn lực đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho chương trình hàng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo chưa có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích người nghèo phấn đấu thoát nghèo, tư tưởng không  muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo còn tồn tại. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các xã, thị trấn hầu hết vẫn là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giảm nghèo.

Phan Đinh


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây