Thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, xe mô tô: Chỉ mới đạt 30% kế hoạch

Thứ hai - 23/12/2013 20:07 - Đã xem: 889
Theo ông Trương Văn Minh, Phó Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh thì bắt đầu từ tháng 6/2013, các cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo quy định mới của Trung ương và tỉnh.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có trên 300.000 xe máy, xe mô tô, với mức thu là 60.000 đồng/xe/năm đối với xe dưới 100 phân khối, 110.000 đồng/xe/năm đối với xe 100 phân khối trở lên, ước tính mỗi năm sẽ thu về được 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới thu được khoảng 30% so với yêu cầu, kế hoạch đề ra trong năm 2013.

Đơn cử như tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) ngay từ khi nhận được chủ trương của cấp trên, địa phương đã thành lập tổ thu phí bảo trì đường bộ; tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau như thông qua hệ thống loa phát thanh, phổ biến tại các cuộc hội họp thôn, bon; giao nhiệm vụ cho các trưởng thôn, bon, các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai nộp phí và giải đáp mọi thắc mắc...

Đa dạng là vậy, nhưng công tác thu phí cũng gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể hoàn thành ngay trong năm 2013.

Ông Lê Viết Sỹ, Chủ tịch UBND xã Đắk Wer cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 2.000 xe máy, xe mô tô. Việc thu phí sử dụng đường bộ được xã giao cho các trưởng thôn, bon tổ chức thu ngay tại nhà dân, còn tại xã cũng có bố trí cán bộ trực thu phí suốt giờ hành chính. Hơn nữa, việc thu phí sử dụng đường bộ hiện tại vẫn đang trong giai đoạn vận động, nên trường hợp dân không đóng phí, lực lượng đi thu cũng chỉ nhắc nhở là chính. Vì vậy, hiện nay xã cũng chỉ mới thu được hơn 25 triệu đồng, đạt khoảng 44% so với yêu cầu đề ra”.

Không riêng gì xã Đắk Wer, qua tìm hiểu thực tế ở một số địa phương khác, không ít người dân còn mơ hồ, chưa hiểu rõ hết chủ trương, nội dung thu phí sử dụng đường bộ. Một số hộ gia đình kê khai số lượng xe chưa đầy đủ, có 2-3 xe, nhưng chỉ kê khai 1 xe.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh, số xe máy, xe mô tô đăng ký ở tỉnh thành khác, nhưng đang sử dụng tại tỉnh chiếm số lượng nhiều, thậm chí xe không “chính chủ”, nên gây khó khăn cho những người làm công tác kê khai, thu phí.

Anh Diệp Văn Quý, một người dân ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) cho biết: “Thông qua các phương tiện đại chúng, được cán bộ tổ dân phố tuyên truyền, phổ biến, gia đình tôi rất đồng tình, ủng hộ, đã đóng phí sử dụng đường bộ đàng hoàng cho cả hai chiếc xe máy. Tuy nhiên, do hiện nay chưa thực hiện xử phạt các chủ phương tiện chậm đóng, nộp phí sử dụng đường bộ nên nhiều người còn chây ỳ, chưa tự giác thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, theo tôi, cùng với việc tuyên truyền, vận động, chính quyền, ngành chức năng nên có biện pháp “mạnh” hơn để nâng cao ý thức chấp hành của người dân”.  

Có thể nói, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các phương tiện tham gia giao thông là chủ trương nhằm có nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân. Vì vậy, việc  đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng cần phải được đẩy mạnh.

Mặt khác, các xã, phường, thị trấn cũng cần quyết liệt hơn trong công tác kê khai, thu nộp phí sử dụng đường bộ. Về phía người dân cũng cần chú ý, theo quy định, nếu chủ phương tiện tham gia giao thông không đóng nộp phí sử dụng đường bộ đầy đủ thì sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt với mức 800 – 1,2 triệu đồng/lần.

Phan Tuấn


Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây