Hai lời ‘tiên tri’ thần kỳ về Cách mạng Tháng Tám

Thứ tư - 27/08/2014 04:31 - Đã xem: 2533

Hai lời ‘tiên tri’ thần kỳ về Cách mạng Tháng Tám

Tiên tri là khả năng chỉ có ở các bậc vĩ nhân, và cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được tiên tri bởi hai vĩ nhân của lịch sử dân tộc.

Trạng Trình biết Cách Mạng tháng Tám sẽ diễn ra trước 500 năm

Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), người mà dân gian quen là Trạng Trình là một nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được người đời biết đến với tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam.

Tương truyền, khi theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, ông được truyền cho quyển Thái Ất thần kinh. Từ đó ông rất tinh thông về lý học, tướng số… Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được các biến cố xảy ra đến 500 năm sau, nên được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam.

Những lời sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tập hợp trong Sấm Trạng Trình. Tác phẩm này đưa ra những lời tiên tri trong chiều dài nhiều thế kỷ, đến nay vẫn còn được tìm hiểu và luận giải.

Tượng đài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

 

Theo các nhà nghiên cứu, trong các sự kiện lớn của lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Trạng Trình dự báo qua câu:

 

“Đầu Thu gà gáy xôn xao
Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”

 

Theo luận giải, ở câu 1, “đầu Thu” là tháng 7 Âm lịch, “gà” nghĩa là năm Ất Dậu, thời điểm sự kiện lịch sử này diễn ra, “gáy xôn xao” nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người.

Ở câu 2, “Trăng xưa” nghĩa là “cổ nguyệt” theo Hán tự, ghép lại thành từ “hồ”, là họ của Hồ Chủ tịch. “Sáng tỏ soi vào Thăng Long” là sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn đồng bào ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long – Hà Nội.

Cũng liên quan đến sự kiện Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam độc lập còn có câu:

“Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”

 

Lời sấm này có nghĩa là đất nước ta phải qua 81 năm (cửu cửu) mới thoát khỏi ách nô lệ (nhờ cuộc Cách mạng Tháng Tám), sau đó phải qua 9 năm nữa mới được yên, thể hiện bằng câu “Thanh minh thời tiết hoa tàn”. Đó chính là trận Điện Biên Phủ lẫy lừng ngày 13/2/1954 đúng vào tiết thanh minh. “Thời tiết hoa tàn” tức là ở thời điểm thanh minh đó có một sự tàn lụi, thì chính là sự tàn lụi của ách cai trị của thực dân Pháp.

“Trực đáo dương đầu mã vĩ” tức là cuối năm Ngọ, đầu năm Mùi thì mới có sự thành công. Đó chính là sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 3/1954, đến 10/10/1954 mới giải phóng Thủ đô và ngày 1/1/1955 Chính phủ mới về tiếp quản Thủ đô. Lời sấm “Hồ binh bát vạn nhập Tràng An” nghĩa là có lính tám Sư đoàn bộ đội Cụ Hồ tiến vào Tràng An – tên gọi cũ của Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: "45 – sự nghiệp hoàn thành"

Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa luôn gắn liền với những dự đoán thần kỳ và nỗ lực biến dự đoán đó thành hiện thực của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1940, trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, nước Pháp bị quân Đức xâm chiếm, từ Trung Quốc nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra nhận định: “Đồng minh sẽ thắng. Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chầy sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập.”

Do diễn biến nhanh chóng của tình hình, ngày 8/2/1941, Nguyễn Ái Quốc đã về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau gần 30 năm bôn ba hải ngoại.

Đến mùa xuân năm 1942, diễn ca “Lịch sử nước ta” gồm 236 câu lục bát từ thời các vua Hùng dựng nước đến năm 1942 của Nguyễn Ái Quốc đã được xuất bản tại căn cứ địa Việt Bắc. Cuối tập diễn ca có mấy câu kết:

“…Nay ta đã có Việt minh
Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh
45 – sự nghiệp hoàn thành”
Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Pháp luật & Xã hội.

 

Trong phụ mục “Những năm tháng quan trọng” của tác phẩm này, Người cũng đưa ra tiên đoán: Năm 1945, Việt Nam độc lập.

Về lời tiên tri này, trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết:

“Giữa lúc đó trong đêm đông lạnh, tránh bọn lính dõng đi lùng càn tại vùng Pác Bó, Bác Hồ đã tiên đoán ngày Cách mạng Việt Nam thành công: “45 – sự nghiệp hoàn thành”. Đó là câu kết thúc tập “Việt Nam lịch sử diễn ca” Bác đã làm, và được đưa in đá từ hồi đó.

Bác không bao giờ nhắc lại câu thơ này. Từ đó đến nay, bị lôi cuốn vì công việc, anh em chúng tôi cũng không ai có dịp hỏi lại Bác, vì sao Bác lại có một sự tiên đoán như vậy. Điều đó đã trở thành một trong những điều ta chưa hiểu hết được về con người và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại gần 60 năm của Bác”.

Tháng 10/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc phân tích tình hình thế giới có nhiều thuận lợi, Người nhắc lại lần nữa lời tiên tri của mình: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”.

Và những lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc cách mạng làm đổi thay vận mệnh đất nước đã thành sự thật.

Nguồn tin: Đài Truyền hình Vĩnh Long

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây