Cần áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm đề phòng khô hạn

Chủ nhật - 24/02/2013 19:51 - Đã xem: 1123
Theo ngành thủy văn tỉnh thì do mùa mưa vừa rồi lượng mưa thấp, lại kết thúc sớm khiến mực nước ở các giếng đào, ao hồ, hệ thống đập thủy lợi nhỏ trong khu vực canh tác của người dân ở các huyện xuống thấp. Ðến thời điểm này, tuy mới bước vào giữa tháng 2, nhưng nhiều vùng chuyên canh cà phê của tỉnh đã bắt đầu có dấu hiệu thiếu hụt nguồn nước tưới.
Ðiển hình như ở huyện Ðắk Song, thiếu hụt nguồn nước tưới đã khá phổ biến. Ông Nguyễn Văn Thu ở thôn 3, xã Trường Xuân cho biết: “Nhiều năm nay, tôi thường dùng chung cái ao cuối rẫy cùng với các hộ dân lân cận để tưới cho 1 ha cà phê của gia đình. Nhưng năm nay, mới đầu tháng Giêng âm lịch, dù mới chỉ bước sang đợt 2, nhưng nước trong ao đã cạn kiệt buộc tôi phải nối thêm 7 cuộn ống nữa để dẫn nước từ vị trí cách rẫy cà phê của gia đình hàng cây số về tưới. Chưa năm nào ở khu vực này “đứt” nước sớm như năm nay”.
 
Với 2 ha cà phê, gia đình ông Lê Văn Bình ở thôn Ðức Sơn, xã Ðức Mạnh (Ðắk Mil) còn khó khăn hơn gấp bội vì phải trông chờ vào lượng nước ít ỏi từ cái giếng đào ngay trong vườn. Ông Bình  cho biết: “Vào thời điểm này của những năm trước, nguồn nước trong giếng chưa bị tụt, thì tôi bơm hút tưới tràn thoải mái, nhưng năm nay khi tưới được 70% diện tích thì đã thấy lộ hẳn mạch nước dưới đáy giếng ra rồi. Cứ đà này đến các đợt tưới sau có lẽ chỉ tưới được vài giờ lại nghỉ để đợi nước mất thôi”.
 
Theo ông Bình thì có nhiều hộ trong thôn khi thấy nước giếng ngày một cạn dần thì thuê người vét lại, nhưng vẫn không đủ nước để tưới cho vườn cà phê. Mặc khác, khi nguồn tưới từ giếng đào có nguy cơ cạn kiệt thì người dân lại đổ xô đi thuê máy để khoan giếng. Do những người được thuê khoan giếng chủ yếu hoạt động tự phát, lại không am hiểu cấu tạo địa tầng, độ sâu mực nước ngầm nên nhiều vườn cà phê khoan đến 2 – 3 mũi khoan vẫn không gặp nước. Có hộ khoan đến gần 200 m mới đến túi nước ngầm khiến cho nguồn nước của các giếng đào gần đó ngày một cạn kiệt, do bị đứt mạch nước mặt.
 
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trồng cà phê ở những khu vực gần các công trình hồ chứa lớn cũng không khỏi lo lắng do nhiều người tranh thủ đưa máy bơm hút liên tục khiến mực nước càng xuống nhanh. Tình hình nắng nóng và khan hiếm nguồn nước tưới, cộng với điều kiện thời tiết bất thường vào đầu mùa khô khiến cho cây cà phê phân hóa mầm hoa không đồng đều nên việc đầu tư, chăm sóc của nông dân càng gặp khó khăn hơn.
 
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, để giảm thiệt hại bởi hạn hán thì giải pháp hiệu quả nhất là nông dân cần áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm và thực hiện kỹ thuật canh tác tích cực như thiết lập lại hệ thống đai rừng và cây che bóng để cây sinh trưởng, phát triển ổn định.
 
Qua khảo sát của ngành nông nghiệp thì hiện nay, lượng nước tưới của nông dân lên đến 800 – 1.000 lít/gốc cà phê trong một lần tưới. Trong khi nhu cầu chỉ cần khoảng 450 – 500 lít/gốc. Ðiều này chẳng những gây lãng phí nước mà còn làm suy giảm độ phì nhiêu của đất, do nước cuốn theo chất dinh dưỡng thấm xuống tầng đất sâu.
 
Theo tính toán, với lượng nước tưới thừa từ 300 – 400 lít/gốc thì mỗi mùa khô người trồng cà phê ở Ðắk Nông đã tưới thừa hàng chục triệu mét khối nước, trong đó có cả lượng nước ngầm được hút vô tội vạ.
 
Có thể nói, việc áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm cho mỗi lần tưới cà phê sẽ giúp nông dân giảm được khoản không nhỏ chi phí xăng dầu, đào, khoan giếng và qua đó góp phần làm giảm giá thành sản xuất. Do vậy, nhiều năm qua, các cấp, ngành chuyên môn và địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo về tưới nước hợp lý cho cây cà phê và xây dựng mô hình trình diễn về tưới tiết kiệm nước tại các nông hộ ở nhiều địa phương. Ðến nay, các mô hình này ở một số địa bàn trong tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp thay đổi dần tập quán canh tác của người trồng cà phê.
 
Văn Tâm

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây