Với đặc thù địa bàn xã Trúc Sơn chủ yếu là lúa một vụ do thiếu nguồn nước nên vụ Đông Xuân nhiều diện tích ruộng thường bỏ hoang. Để tận dụng nguồn tài nguyên đất hiện có trên địa bàn và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích; đồng thời, tạo công ăn việc làm trong thời điểm nông nhàn vào mùa khô . Vụ đông xuân 2012-2013, một số bà con nông dân xã Trúc Sơn đã đưa cây bí xanh vào trồng trên chân ruộng một vụ. Gia đình ông Nông Văn Tằng ở thôn 5, xã Trúc Sơn đã đưa cây bí xanh vào trồng thử nghiệm với diện tích 2 sào trên đất lúa nước một vụ. Nhờ đầu tư chăm sóc chu đáo nên ruộng bí xanh của gia đình phát triển tốt và đến nay đã cho thu hoạch. Ông cho biết, với 4 sào bí xanh trừ chi phí đầu tư gia đình ông còn thu về trên 30 triệu đồng.
Theo thống kê, vụ đông xuân 2012-2013, xã Trúc Sơn trồng được khoảng 10 ha bí xanh, diện tích tập trung chủ yếu ở thôn 1, thôn 2 và thôn 5. Đây là loại giống bí xanh quả nhỏ và ăn rất ngon. Qua tìm hiểu thực tế thì việc trồng bí xanh không khó, rất dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ban đầu không nhiều. Mặc dù trong quá trình sinh trưởng cây bí xanh cần phải tưới nước nhiều lần, nhưng mỗi lần tưới lượng nước rất ít nên có thể tiết kiệm được nguồn nước. Sau thời gian 75 trồng cây bí xanh cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt năng suất bình quân đạt 3 tấn/sào. Với giá mua tại ruộng hiện nay là 7.000đ/kg, 1 sào bí xanh sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Với khoảng thu nhập này đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân trong lúc nông nhàn.
Có thể nói, việc phát triển cây bí xanh ở xã Trúc Sơn đã và đang mở ra một hướng sản xuất mới cho người nông dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt, là trong vụ Đông xuân có thể tận dụng được các chân ruộng lúa một vụ và những ruộng lúa thường thiếu nước vào cuối vụ để trồng bí xanh nhằm đảm bảo sản xuất an toàn và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Mặc dù cây bí xanh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng để cây bí xanh phát triển một cách bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật trồng, chăm sóc, định hướng sản xuất của các ngành chức năng thì chính người nông dân cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng sạch và an toàn.
Văn Trọng- Tùng Nhi
Nguồn tin: Đài PT-TH Đăk Nông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...