Cần thực hiện nghiêm quy trình tái canh cây cà phê

Thứ sáu - 26/04/2013 05:16 - Đã xem: 1153
Theo Sở Nông nghiệp – PTNT thì hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 24.658 ha cà phê già cỗi cần phải tái canh. Việc tái canh cà phê cũng sẽ thực hiện theo hình thức cuốn chiếu mỗi năm trồng lại từ 15 đến 20% diện tích.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các vườn cà phê trồng thời gian trước chủ yếu sử dụng cây giống thực sinh; đồng thời, các cơ sở, hộ gia đình chưa có vườn cà phê chọn lọc để nhân giống nên việc triển khai trồng tái canh cho một vùng rộng lớn là rất khó thực hiện. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện Khoa học kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên trong Dự án phát triển giống cà phê, tỉnh cũng đang có cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện xây dựng vườn đầu dòng, vườn cây mẹ của các giống cà phê mới, cung cấp đủ lượng mắt ghép nhân giống phục vụ trồng tái canh cho nông dân.
 
Ðồng thời, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng cây giống, kiên quyết xử lý những cơ sở nhân giống không đủ điều kiện, thông báo công khai để người dân không sử dụng cây giống kém chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng…
 
Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên, qua kết quả nghiên cứu từ các mô hình thực nghiệm thì nông dân nên trồng tái canh cây cà phê tốt nhất là từ 15/5 đến 15/8 hàng năm để cây sinh trưởng, phát triển nhanh, đủ sức vượt qua mùa khô đầu tiên. Ðồng thời, trồng xen cây xanh theo hàng nhằm chắn gió, tạo nguồn phân xanh bổ sung trong thời kỳ cà phê kiến thiết cơ bản và bố trí trồng cây che bóng lâu năm đảm bảo mật độ theo quy định.
 
Khi thực hiện đồng bộ, đúng quy trình các biện pháp tái canh, chỉ sau 3 năm kiến thiết cơ bản, vườn cà phê sẽ cho thu hoạch, năng suất có thể đạt gần 3 tấn nhân/ha trở lên, với chu kỳ kinh doanh 20 năm. Ðiển hình là tại xã Thuận An (Ðắk Mil), nhờ hướng dẫn tốt quy trình tái canh cho nông dân nên có hàng chục hécta cà phê mới trồng từ năm 2005 đến nay đã cho thu hoạch gần 3 tấn nhân/ha.
 
Bên cạnh đó, từ các mô hình thực nghiệm của Viện, một số hộ nông dân trên địa bàn huyện Ðắk Mil đã thực hiện tốt quy trình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê già cỗi, vừa có tác dụng che bóng, vừa tăng thu nhập. Sau khi các loại cây trồng xen này bắt đầu cho thu hoạch thì tiến hành thanh lý cà phê già cỗi, trồng luân canh cây màu, đậu đỗ để cải tạo đất trong thời gian 2-3 năm để sau đó tái canh cây cà phê trở lại.
 
Qua thực tế cho thấy, nông dân và các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tái canh cây cà phê để phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, trước khi tái canh cây cà phê, nông dân cần kiểm tra kỹ mật độ tuyến trùng trong đất để quyết định thời gian luân canh cây trồng khác, tối thiểu phải luân canh 2 năm cây họ đậu cải tạo đất.
 
Ðối với những vùng đất có mật độ tuyến trùng cao phải luân canh từ 3- 4 năm, sau đó mới tái canh cây cà phê. Riêng đối với những diện tích cà phê bị sâu bệnh nặng, cần kiên quyết không tái canh cây cà phê mà chuyển sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ðối với việc xử lý đất, người trồng cà phê nên sử dụng phương tiện cơ giới có công suất đủ lớn để đào gốc, rễ và thu gom triệt để gốc, rễ cây cà phê cũ đưa ra khỏi vùng trồng mới.
 
Ðồng thời, việc đào hố cần tuân thủ kích thước 0,8 x 0,8 x 0,8 mét và bón mỗi hécta khoảng 20 tấn phân chuồng cùng các loại phân hữu cơ vi sinh, phân xanh, kết hợp với vôi, lân... Sau đó, cần phá thành hố, lấp đất, ủ phân trước khi trồng ít nhất 2 tháng để tạo điều kiện cho bộ rễ cây cà phê phát triển mạnh ngay từ đầu.
 
Ðối với nguồn giống, nông dân nên sử dụng các giống vô tính đã được công nhận như giống cà phê TR4, TR5, TR6, TR7, TR8... Cây giống được nhân từ vườn nhân giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống có đủ điều kiện, do các cơ quan chức năng công nhận, đảm bảo sạch sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn quy định.
 
Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây