Trong khuôn khổ chuyên đề giám sát thủy điện, ngày 23-4, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, cho biết sẽ giám sát 2 dự án này ở 3 nội dung: môi trường (sinh thái, văn hóa, trồng rừng thay thế…), hiệu quả tổng hợp (sản xuất điện, phục vụ nước tưới tiêu…) và tính pháp lý, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai: "Đến thời điểm này, chủ đầu tư xác định là phải làm!" Ảnh: XUÂN HOÀNG
Bộ NN-PTNT: Dự án có căn cứ pháp lý (?!)
Liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án, ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), khẳng định 2 dự án sẽ xâm hại đến các tài nguyên của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (bìa trái), cùng đoàn đi giám sát thực địa tại nơi dự định xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 (xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên - Lâm Đồng) vào chiều 23-4 Ảnh: XUÂN HOÀNG
Trong khi đó, ĐTM chưa thể hiện các phương án để bảo đảm dòng chảy tối thiểu xuống hạ lưu cũng như các biện pháp bồi thường thiệt hại, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các dân tộc ít người như Châu Mạ, S’tiêng…, chưa tham vấn cộng đồng đầy đủ, chưa xác định rõ ranh chồng lấn ngập trong VQG…
Cũng theo ông Dung, dự án thủy điện Đồng Nai 5 chưa đề cập chế độ điều tiết dòng chảy trong khi 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A phụ thuộc rất lớn vào Đồng Nai 5. Vả lại, nếu không xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì dòng chảy hạ lưu cũng đã bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, ông Võ Đại Hải, cho rằng căn cứ pháp lý của 2 dự án là nằm trong quy hoạch điện 7 đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngoài ra, trong quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG Cát Tiên giai đoạn 2010-2020 do Bộ NN-PTNT phê duyệt cũng đã tính đến 2 dự án này.
Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức 2 chuyến khảo sát khu vực thực hiện dự án, đích thân Bộ trưởng Cao Đức Phát tham gia, kết quả cho thấy 25% là rừng nghèo; còn lại rừng lồ ô, cây bụi chiếm 51%.
Ông Hải khẳng định quan điểm của Bộ NN-PTNT là 2 dự án mặc dù có ảnh hưởng nhưng vẫn bảo đảm các mục tiêu cơ bản của VQG Cát Tiên. Vì thế, đề nghị Bộ TN-MT thẩm định, hoàn thiện ĐTM càng sớm càng tốt và khi cho phép chủ đầu tư xây dựng cần phải trồng lại rừng mới.
Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, trong Thông tư 34 quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng, cũng do chính Bộ NN-PTNT ban hành năm 2009, khái niệm rừng giàu, rừng nghèo được tạm tính theo trữ lượng và dành cho cả loại rừng gỗ và rừng tre nứa, lồ ô; không có quy định nào xếp lồ ô, tre nứa vào dạng rừng nghèo.
Bộ VH-TT-DL không hay biết
Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho rằng trước mắt có thể thấy một mất mát không thể bù đắp là sự xuất hiện của 2 đập thủy điện sẽ trực tiếp chia cắt đường di cư của một số loài sinh vật. Ông Chánh phản biện: “Hệ sinh thái có sự cộng dồn, không thể tách ra để nói rằng tác động ít. Chính chủ đầu tư trong ĐTM cũng cho rằng vì thời gian ngắn chưa thể khảo sát hết đa dạng sinh học, việc chưa khảo sát hết mà đã triển khai là không chấp nhận được”.
Cũng theo ông Chánh, người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, đã sinh sống ở đây lâu đời, việc xây dựng 2 dự án không phù hợp với văn hóa khu vực. Vì vậy, không thể có hiệu quả “phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực” như lời của chủ đầu tư.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Đồng Nai, TS Nguyễn Văn Long, cho biết sở đã có văn bản hỏi ý kiến Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) và được biết đến thời điểm này, cục chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan đến 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Dẫu vậy, Cục Di sản văn hóa khẳng định VQG Cát Tiên là di sản văn hóa đặc biệt đã được Chính phủ công nhận cho nên phải tuân thủ đúng Luật Di sản.
Theo TS Long, Đồng Nai là dòng sông nội sinh (bắt nguồn và kết thúc trong nước) duy nhất ở Việt Nam, các khu rừng trong lưu vực cũng mang bản sắc văn hóa, đa dạng sinh học của lưu vực, nếu phá đi để trồng lại rừng mới thì sẽ không còn ý nghĩa.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết từ những năm 1990, Đồng Nai đã mạnh dạn không cho khai thác rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và trồng thêm rừng. Và để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bền vững môi trường, tỉnh đã tạm ngưng thực hiện các dự án thủy điện nhỏ, kể cả các thủy điện đã được phê duyệt điều chỉnh trong bậc thang thủy điện Đồng Nai 8.
Vùng kinh tế trọng điểm gánh trọn hậu quả!
“Tổng sản lượng điện của 2 dự án chỉ chiếm 0,3% sản lượng điện toàn quốc là không đáng kể và không đáng để đánh đổi 370 ha rừng đầu nguồn sông Đồng Nai, đặc biệt là 137 ha khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, làm ảnh hưởng quá trình công nhận di sản thiên nhiên thế giới của VQG Cát Tiên” - ông Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nêu quan điểm.
Ông Trần Văn Tư, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cũng quyết liệt: “Sông Đồng Nai cung cấp nước và một số nguồn lợi khác cho hơn 20 triệu dân trong lưu vực. Nếu rừng đầu nguồn cứ liên tục bị chặt phá thì sẽ đến một lúc nào đó chẳng còn nguồn nước. Có thể 3 tỉnh thượng nguồn Bình Phước, Đắk Nông và Lâm Đồng được nhiều hơn mất nhưng vùng kinh tế trọng điểm Đồng Nai - Bình Dương - TPHCM ở hạ lưu chưa thấy được gì mà sẽ mất rất nhiều. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ không thực hiện 2 dự án này”.
Kết thúc buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng cho rằng tính kinh tế của các dự án thủy điện không chỉ ở việc đầu tư các nhà máy mà còn rất nhiều vấn đề liên đới khác: môi trường, xã hội… Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư cần tính toán lại hiệu quả kinh tế của 2 dự án.
“Các đại biểu nên tìm đọc cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế - cuốn sách của Jonh Perkins viết về việc các công ty của Mỹ đầu tư vào thủy điện khắp thế giới - để có cái nhìn toàn diện về thủy điện” - ông Dũng gửi gắm đến đoàn thay cho lời kết.
Chiều cùng ngày, đoàn làm việc cũng đã khảo sát vị trí dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6. Hôm nay, 24-4, đoàn sẽ tiếp tục khảo sát vị trí dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6A.
Chủ đầu tư xác định phải làm! Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, ông Bùi Pháp, khẳng định đến thời điểm này, chủ đầu tư xác định là phải làm! Chủ đầu tư cam kết 2 dự án sẽ không làm tăng thêm lũ lụt cho hạ du, đồng thời sẽ không có sự xáo trộn cộng đồng bản địa vì trong khu vực thực hiện dự án không có dân cư. “Chúng tôi có thể sẽ trồng 372 ha rừng mới hoặc hơn và sẽ xây dựng trạm kiểm lâm để tránh tình trạng chặt phá cây rừng, cũng như xây dựng các trạm y tế, trường học. Nếu các cơ quan chức năng đánh giá 2 dự án có tác động xấu, chủ đầu tư tự nguyện dừng dự án vì cũng quan tâm đến môi trường” - ông Pháp nói. Tuy nhiên, một vấn đề đang khiến dư luận lo lắng là liệu 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ mở đầu một trào lưu phá VQG làm thủy điện vì “ưu điểm” không di dân, tái định cư hay không? |
ÔNG HUỲNH NGỌC ĐÁNG, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BÌNH DƯƠNG: Người lãnh hậu quả là dân Cũng là tỉnh nằm ở hạ nguồn sông Đồng Nai nhưng tôi chưa thấy các cơ quan chức năng Trung ương khảo sát lấy ý kiến của cơ quan hữu trách, người dân Bình Dương về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Riêng tôi, tôi đề nghị cơ quan có trách nhiệm phải xem xét một cách hết sức nghiêm túc về 2 dự án này. Các nhà khoa học đã cảnh báo 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu triển khai sẽ ảnh hưởng rất xấu đối với rừng, môi trường… Các công trình thủy điện hiện hữu, nhất là công trình nhỏ đã gây ra quá nhiều chuyện không hay rồi. Vì vậy, nếu không xem xét thấu đáo mà cố làm 2 dự án này thì cuối cùng người lãnh hậu quả cũng là dân thôi. Chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng đã gửi cho tôi một bộ hồ sơ, tài liệu về 2 dự án trên. Nhưng tôi không phải là người nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực thủy điện nên không thể đưa ra những nhận xét thật chính xác về dự án. Tuy nhiên, tôi tin và ủng hộ ý kiến của các nhà khoa học. ÔNG HUỲNH THÀNH LẬP, TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TPHCM: Giàu có mà bệnh tật, cuộc sống chẳng ý nghĩa gì Có nhiều cách để thêm nguồn điện cho quốc gia, sao cứ phải nhất thiết xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi mà hệ lụy của nó gây ra đối với môi trường và cuộc sống của gần 20 triệu dân phía hạ du có hại nhiều hơn lợi ích về kinh tế? Về mặt môi trường, 2 thủy điện này sẽ làm nước sông bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cấp nước sinh hoạt, sản xuất của hàng triệu dân và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Đồng Nai, TPHCM và Bình Dương. Ai cũng muốn cuộc sống mình giàu lên nhưng giàu mà sống chung với nguồn nước ô nhiễm, dẫn đến bệnh tật thì cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì! Chưa dừng lại ở đó, nếu công trình gặp sự cố thì thiệt hại sẽ rất lớn, vượt quá tiềm lực kinh tế cũng như tính toán lợi nhuận của chủ đầu tư. Khi đó, không chỉ Đắk Nông, Lâm Đồng và Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà TPHCM cũng khó thoát cảnh ngập lụt. Do vậy, tôi kiến nghị không xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Như Phú - Phan Anh ghi |
ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI NÊN DỪNG VIỆC TRIỂN KHAI DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A,
Thứ nhất là vấn đề môi trường : Không phủ nhận đóng góp tích cực của thủy điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng là những công trình can thiệp lớn đến các dòng sông, các dự án thủy điện đã và đang có những tác động tiêu cực lớn đến môi trường - sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của người dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực. Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A, các nhà khoa học, dư luận xã hội báo chí đã phản ánh rất nhiều không đồng tình, do vậy không thể phát triển thủy điện bằng mọi giá.
Thứ hai là vấn đề năng lực tài chính của chủ đầu tư : Chủ đầu tư của dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A là Tập đoàn Đức Long- Gia Lai. Được biết cuối năm 2010, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14, đoạn từ km 817 đến km 887, thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông và đoạn đường Quốc lộ 14 từ thị xã Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước đến giáp ranh với tỉnh Đăk Nông đều do Tập đoàn Đức Long - Gia Lai làm chủ đầu tư theo hình thức BOT bắt đầu triển khai thi công. Thế nhưng, khúc “dạo đầu” khá hoành tráng ấy cũng chỉ kéo dài được vài tháng thì tiến độ thi công dự án bắt đầu rơi vào tình trạng ì ạch, đến nay không tiếp tục triển khai thi công khiến tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn tỉnh trở nên nhếch nhác. Chính vì vậy đã gây ra nhiều vụ tai nạn trên đoạn đường đang thi công này. Theo phương án ban đầu, dự án đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1800 tỷ đồng, quy mô mặt đường rộng 21m. Tuy nhiên, chỉ mới vừa thi công được 2 tháng thì đã tạm ngưng để điều chỉnh quy mô vì nguồn vốn đầu tư vượt khả năng của chủ đầu tư. Vì không có khả năng tài chính để gỡ khó cho chủ đầu tư , tỉnh Đăk Nông và tỉnh Bình Phước đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép thu hẹp điều chỉnh lại quy mô dự án từ cấp 3 đồng bằng thành cấp 3 miền núi, từ 21 m xuống 12 m mặt đường với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng. Đến tháng 11/2011, chủ đầu tư mới bắt đầu khởi động lại dự án bằng việc đàm phán, ký hợp đồng với các nhà thầu.
Thế nhưng, sau một thời gian thi công theo kiểu cầm chừng, đến tháng 5/2012, đã có 8/10 gói thầu chính thức ngưng hẳn hoạt động. Các chủ thầu quyết “đình công”, chấp nhận lãng phí nhân công, để không máy móc vì chủ đầu tư không thanh toán khối lượng theo cam kết. Điển hình như Công ty TNHH xây dựng Vạn Thành (Đắk Lắk) đã thi công khối lượng khoảng 4 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được Tập đoàn Đức Long thanh toán kinh phí theo cam kết. Theo các nhà thầu thì khi ký hợp đồng kinh tế về việc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư đã thống nhất nếu khối lượng thi công đạt từ 2-3 tỷ đồng thì sẽ thanh toán 70% giá trị. Vậy mà sau khi thi công đủ và vượt hạn mức, các đơn vị thi công yêu cầu thanh toán khối lượng thì chủ đầu tư lại nhiều lần cố tình tránh né, không thanh toán. Nếu năng lực tài chính và uy tín của chủ đầu tư như vậy, liệu có đủ khả năng nguồn lực tài chính để triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A thực hiện đúng như cam kết không?
MINH TRÍ