Hơn 3 năm về trước, nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường là bài toán nan giải của xã Đức Phong. Trong các cuộc họp giữa người dân và chính quyền xã, vấn đề xử lý rác được đưa ra mổ xẻ, nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Ngày nào vợ chồng anh Minh cũng cặm cụi làm việc ở khu xử lý rác. |
Bỏ tiền túi xây nhà máy
Là một người dân trong xã, anh Minh thấu hiểu được bức xúc của người dân quê mình, và anh bày tỏ với bà con lối xóm: “Bà con để tui thử làm xem”. “Hồi đó, tui tính toán kỹ lưỡng lắm rồi, rác ở đây chủ yếu là rác hữu cơ, nên việc xử lý không quá khó, chỉ cần mua một chiếc xe đi thu gom rồi xây dựng một cái nhà máy xử lý rác. Mình làm theo cách thủ công, nhưng hiệu quả mang lại sẽ rất lớn” - anh Minh kể. Giữa tháng 6.2010, anh mang đơn lên huyện trình bày ý nguyện, nhưng không được chấp thuận. Trở về, anh thủ thỉ với vợ: “Bà đưa 200 triệu đồng cho tui, tui đã hứa với bà con, giờ mà bỏ cuộc thì xấu hổ lắm”. Ban đầu, vợ anh cương quyết không đồng ý. Nhưng rồi hiểu tính anh xưa nay đã nói là làm đến nơi đến chốn, nên vợ anh cũng dần hiểu ra.
Cầm 200 triệu đồng vợ chồng bao năm cật lực lao động mới chắt chiu được, anh đem xây nhà máy rác. Sau 3 tháng thi công, công trình hoàn thành. Ông Nguyễn Tấn Hảo (58 tuổi), cựu chiến binh thôn Châu Me, nhớ lại: “Lúc chú Minh nói sẽ xây dựng nhà máy rác, tụi tui ở đây cũng bán tín bán nghi lắm, vì gia đình chú Minh cũng đâu khá giả gì, vậy mà thấy chú ấy tự bỏ tiền túi ra làm, bà con ở đây ai nấy đều rất cảm kích”.
Vay tiền mua xe chở rác
Nhà máy được đưa vào sử dụng, nhưng khâu vận chuyển thu gom rác gặp rất nhiều khó khăn vì hàng ngày phải thuê xe chuyên chở rác rất tốn kém.
Ông Nguyễn Tấn Hảo
Không cam tâm để nhà máy chết yểu, anh Minh chạy vạy khắp nơi để vay tiền mua xe chở rác. Nhưng đến ngân hàng nào anh cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Anh đành “bấm bụng” đi vay nóng 260 triệu đồng, số tiền đến giờ anh cũng chưa trả được.
Ông Phạm Thanh Bình- Bí thư Đảng ủy xã Đức Phong cho hay: “Hiện nay, mỗi tuần, nhà máy của anh Trương Minh xử lý từ 70-80 khối rác, góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường ở địa phương”.
Thấy những đóng góp thiết thực của anh, chính quyền xã chịu trách nhiệm đứng ra thu tiền, để có nguồn kinh phí cho nhà máy rác hoạt động. Toàn xã có 4.500 hộ dân, nhưng hiện tại cũng chỉ mới có 53% số hộ chịu nộp tiền. Xã đang tăng cường tuyên truyền, vận động bà con đóng góp tiền để nhà máy có kinh phí hoạt động, đồng thời cũng giúp gia đình anh Minh giảm bớt phần nào khó khăn.
Ngọc Viên
Nguồn tin: Báo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...