Rau an toàn cũng cần có “đầu ra” an toàn
Thứ hai - 13/05/2013 06:21
- Đã xem: 1539
Với nhiều nỗ lực, một số doanh nghiệp và các hộ dân đã sản xuất được các loại rau, quả an toàn, đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc người dân chưa có thói quen mua các loại rau quả sạch, cộng thêm những khó khăn trong khâu phân phối, khiến các hợp tác xã (HTX), người sản xuất rau an toàn phải vất vả tìm “đầu ra”.
|
Nông dân phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) chăm sóc rau xanh. Ảnh: Hồng Thoan |
Chuối Lapa ở huyện Đắk Glong là một trong những loại quả được sản xuất theo chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Do được sản xuất theo đúng quy trình tập huấn của cán bộ nông nghiệp nên chuối Lapa bảo đảm an toàn, từ khâu chăm sóc cho đến thu hoạch, bảo quản. Thế nhưng, “đầu ra” cho loại quả này thì nông dân phải tự lo liệu.
Anh Trần Văn Kiên, thôn 3, xã Đắk P’lao (Đắk Glong) cho biết: “Vì không có doanh nghiệp thu mua nên tôi đành phải bán cho các thương lái với giá bằng với các loại chuối thông thường. Họ cũng chỉ mua với số lượng ít nên mỗi khi chuối chín hàng loạt thì rất khó tiêu thụ hết”.
Tương tự, bà Phạm Thị Hương Quê, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và Thương mại Tia Sáng (Gia Nghĩa) cho biết: “Việc sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap không phải khó vì đã được ngành nông nghiệp tập huấn đầy đủ. Các xã viên đã thực hiện đúng các bước và cho sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hiện đơn vị cũng chỉ bán được với giá trung bình khoảng 5.000-6.000 đồng/kg rau, quả. Trong khi đó, chi phí cho sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn cao gấp nhiều lần theo phương pháp thông thường nên với giá như vậy, đơn vị đang gặp khá nhiều khó khăn”.
Theo kết quả điều tra của Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) mới đây cho thấy, có đến 88% người tiêu dùng tại nhiều địa phương khi được hỏi đều có chung câu trả lời là không phân biệt được rau an toàn với các loại rau thường qua cảm nhận bề ngoài như màu sắc, độ tươi... Việc tiêu thụ cũng gặp khó do giá rau an toàn thường cao hơn từ 1,5- 2 lần so với các loại rau thường. Vì vậy, thực tế tại tỉnh ta, việc tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn đang gặp khá nhiều khó khăn.
Bà Phạm Thị Hương Quê cho biết thêm: “Hiện trên địa bàn chưa có siêu thị và hệ thống bán lẻ rau an toàn nên HTX chủ yếu nhập sỉ cho các thương lái. HTX cũng đã có phương án sẽ mở cửa hàng bán lẻ để buôn bán và quảng bá sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Thế nhưng, để tìm được địa điểm bán không phải dễ, vì khó thuê được nơi phù hợp với giá phải chăng. Mặt khác, việc mua, bán rau củ quả tại các chợ truyền thống đã trở thành thói quen cố hữu của đa số người tiêu dùng. Trước đây, mỗi ngày HTX sản xuất trên 1 tấn rau an toàn, nhưng chỉ tiêu thụ được một nửa. Vì vậy, hiện tại, HTX tập trung sản xuất các loại rau quả như dưa leo, cà chua, đậu ve vì có thể bảo quản lâu hơn và dễ dàng vận chuyển đến nơi khác để chào hàng”. |
Rau an toàn hay rau thông thường đều khó phân biệt được trên thị trường khi không có hệ thống tiêu thụ riêng lẻ |
Được biết, trong thời gian qua, nhằm khuyến khích doanh nghiệp, nông dân trồng rau, quả an toàn, đạt tiêu chuẩn để tiến tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ kinh phí, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đã được các HTX thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, với “đầu ra” không ổn định như vậy khiến các HTX và người dân không còn mấy mặn mà.
Thiết nghĩ, nếu đầu tư kinh phí lớn để sản xuất rau an toàn, nhưng lại không có khâu tiêu thụ đúng cách, đảm bảo đúng giá trị của nó thì việc khuyến khích phát triển rau an toàn chỉ thành công một nửa và sẽ khó bền vững. Vì vậy, ngành chức năng cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển mạng lưới tiêu thụ cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, kích thích người tiêu dùng sử dụng rau an toàn thay cho rau thông thường, không rõ nguồn gốc.
Bài, ảnh: Thùy Dương
Nguồn tin: Đăk Nông Online