Hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở: Đang trong tình trạng “cha chung không ai khóc”

Thứ năm - 29/06/2017 10:28 - Đã xem: 1767
Hệ thống truyền thanh cơ sở đóng một vai trò khá quan trọng trong việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở hầu như chưa phát huy được hiệu quả vốn có.

Từ thực tế khảo sát…

Xã Nam Bình (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) hiện có 12 cụm loa, nhưng hiện tại tất cả cụm loa đã tạm dừng hoạt động do đang xây dựng trụ sở UBND xã mới. Tuy nhiên, qua ghi nhận từ người dân trên địa bàn thì trước đây, hệ thống loa đài chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động. Thời gian phát sóng trùng với thời gian nghỉ ngơi, gây khó chịu cho người dân. Tại những điểm thuận tiện, hệ thống loa đài thường xuyên hư hỏng, chỉ hoạt động cầm chừng.

2549 XH 2

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tình hình hoạt động truyền thanh cơ sở tại xã Nam Bình (Đắk Song)

Ông Đỗ Văn Thạnh, ở thôn 9, xã Nam Bình cho biết: “Loa phát thanh hoạt động lâu rồi, nhưng nó cứ...tậm tịt, được một thời gian ngắn lại hư hỏng, sửa chữa chỉ ít hôm lại thấy hư”.

Theo anh Hồ Sĩ Trung, cán bộ văn hóa kiêm quản lý loa truyền thanh của xã Nam Bình, thì hệ thống loa lắp đặt tại các thôn khoảng cách quá xa, chất lượng các lần phát sóng kém, nên người dân không “mặn mà” với truyền thanh. Bên cạnh đó, đối với con người, hiện tại xã chưa bố trí được nên nội dung biên tập, người trực tiếp phát sóng không có, ảnh hưởng đến thu phát sóng để tuyên truyền. Hệ thống loa hay hư hỏng một phần cũng do một số người dân chưa có ý thức bảo vệ, có những hành động phá hoại, như phá loa, tháo rời các đường dây điện nguồn.

Tại xã Đắk N’drung (Đắk Song), dù hoạt động có phần đều hơn nhưng hệ thống loa truyền thanh lại gặp nhiều trở ngại khác. Theo chị Nguyễn Thị Liên, cán bộ phụ trách truyền thanh xã, mặc dù được giao phụ trách cùng với một nhân viên kỹ thuật nhưng quá trình vận hành đài thì gần như chỉ mình chị làm tất cả các thao tác, từ thu phát sóng cho đến biên tập tin bài nếu có, hoặc đọc các thông báo. Còn người được phân công phụ trách kỹ thuật thì lại không có chuyên môn nghiệp vụ, chỉ là một thợ điện hợp đồng, nên rất khó khăn trong hoạt động.

Tại các xã Ea Pô, Đắk Wil (Chư Jút) được đánh giá là những đơn vị có hệ thống truyền thanh cơ sở hoạt động khá hiệu quả. Thế nhưng, qua khảo sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh mới đây, chương trình phát thanh hầu như chưa có sự đầu tư biên tập cho người dân dễ hiểu, mà chủ yếu là đọc lại các văn bản. Việc bố trí nhân sự cũng chưa bảo đảm và đúng theo nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành. Chương trình phát không được sao lưu, cán bộ phụ trách không có trình độ chuyên môn và kỹ thuật, lãnh đạo các xã hầu như không mấy quan tâm đến chất lượng, nội dung truyền phát. Vì vậy, người dân không cảm nhận được vai trò của hệ thống loa phát thanh trong cuộc sống.

2549 XH 3

Cụm loa phát thanh ở xã Ea Pô (Chư Jút) hoạt động đều đặn nhưng việc biên tập nội dung chưa bảo đảm

Đầu tư “khiêm tốn”

Việc thực hiện Dự án đầu tư, sửa chữa nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cơ sở được triển khai theo Quyết định số 1150/QĐ-UBND của UBND tỉnh từ năm 2012. Theo quyết định, toàn tỉnh sẽ được đầu tư trên 28 tỷ đồng, nằm trong nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh chỉ mới được đầu tư với con số “khiêm tốn” trên 5 tỷ đồng, chỉ trên 17% tổng số vốn. Từ năm 2016 đến nay thì dự án tạm ngừng thực hiện do chưa phân bổ được kinh phí.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 5/71 xã, phường, thị trấn chưa được trang bị hệ thống đài truyền thanh; 63 xã, phường, thị trấn có thiết bị hư hỏng, xuống cấp, thiết bị lạc hậu; 3 xã tạm dừng hoạt động. Hệ thống loa truyền thanh chỉ được lắp đặt ở trung tâm xã và một số vùng lân cận, đạt khoảng 30-40% tổng số thôn, bon, buôn, tổ dân phố. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng, xuống cấp là do hệ thống truyền thanh được đầu tư cách đây 10 năm, nhưng lại không có cơ chế, chính sách đầu tư, bảo dưỡng hay thay thế, nâng cấp. Một số nơi, hệ thống loa bị hư hỏng do sét đánh, nhưng không được bố trí kinh phí sửa chữa.

 Ngoài ra, qua rà soát, toàn tỉnh hiện cũng chỉ có 6/71 đài truyền thanh cơ sở sử dụng đúng dải tần số FM theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do loa đài hư hỏng, nhiều thôn, xã phải đầu tư dựa trên nguồn vốn của địa phương, nhưng lại thiếu sự quản lý nhà nước theo hệ thống từ tỉnh đến xã.

Cần khắc phục những bất cập, hạn chế

Qua khảo sát, Ban Văn hóa HĐND tỉnh khẳng định, truyền thanh cơ sở vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế của hệ thống truyền thanh cơ sở là điều cấp thiết.

Nói về những bất cập trong công tác quản lý dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, ông Phan Quốc Lập, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, nên quy đầu mối quản lý hệ thống truyền thanh cơ sở cho đài huyện và  tỉnh. Việc quy đầu mối như vậy sẽ bảo đảm thuận lợi trong tiếp cận kỹ thuật cũng như hướng dẫn nghiệp vụ, sửa chữa, nâng cấp.

Về vấn đề nhân lực, bà Kiều Châu Loan, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng cho rằng, cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Cán bộ phụ trách truyền thanh cơ sở phải được hưởng phụ cấp để gắn với trách nhiệm của mình. Cùng với đó, việc tổ chức đào tạo, tập huấn là điều cần thiết kể cả cán bộ phụ trách về nội dung và kỹ thuật.

Qua khảo sát, đồng chí Hà Trung Ký, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh yêu cầu, phải tiếp tục đầu tư cho hệ thống truyền thanh cơ sở, nhưng phải có sự phân cấp đầu tư rõ ràng. Các đơn vị liên quan phải có hướng dẫn cụ thể để khắc phục những hạn chế trong đầu tư thời gian qua. Trong thực tế, việc phân bổ kinh phí cấp xã có thực hiện, nhưng định mức phân cấp còn thấp, nên cần nghiên cứu nâng mức phân bổ để các xã hoạt động có hiệu quả. Ngoài vốn trung ương, các địa phương cũng cần chủ động bố trí kinh phí và thực hiện xã hội hóa để bảo đảm hoạt động của truyền thanh cơ sở. Đội ngũ cán bộ phụ trách truyền thanh cơ sở không những cần được đào tạo mà việc đào tạo cần phải có định hướng, kế hoạch rõ ràng, nhân sự bố trí bảo đảm tính ổn định, tránh trường hợp thường xuyên thay đổi như hiện nay. Cùng với đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ cơ sở về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động truyền thanh cơ sở cần được chú trọng thực hiện.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây