Qua giám sát cải cách TTHC trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng: Còn nhiều vấn đề hạn chế cần khắc phục

Thứ ba - 27/05/2014 07:33 - Đã xem: 871
Thực hiện chương trình giám sát năm 2014, mới đây, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ban đã đến giám sát tại 6 đơn vị gồm: UBND xã Trường Xuân, UBND huyện Đắk Song, UBND xã Nhân Cơ, UBND huyện Đắk R’lấp, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát hoạt động tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Đắk R’lấp

Qua báo cáo và kết quả giám sát thực tế tại các đơn vị, địa phương cho thấy, thời gian qua, công tác cải cách TTHC đã được triển khai toàn diện trên tất cả các nội dung đến từng phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn.

Các TTHC áp dụng tại cơ quan, địa phương từng bước được đơn giản hóa, niêm yết công khai và thường xuyên được rà soát để loại bỏ, bổ sung quy định hướng dẫn mới. Hệ thống thể chế ngày càng ổn định, đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng.

Các địa phương và cơ quan đều bố trí phòng làm việc riêng cho bộ phận “một cửa” cơ bản đủ diện tích theo quy định, thoáng mát, có ghế ngồi chờ, bút viết, nước uống phục vụ tổ chức, cá nhân khi đến làm các TTHC. Các trang thiết bị phục vụ công tác cải cách TTHC như: bàn ghế, tủ đựng tài liệu, máy móc… được bố trí khá đầy đủ đã giúp cán bộ, công chức thực thi công việc tốt hơn và người dân cũng thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận “một cửa” có trình độ chuyên môn phù hợp, phẩm chất đạo đức tốt, hiểu biết chính sách, pháp luật và thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ…

Việc giải quyết các TTHC theo cơ chế “một cửa” nhanh chóng hơn, giảm phiền hà, phát huy được hiệu quả quản lý nhà nước, tạo cơ sở pháp lý, môi trường thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình. Theo thống kê, thì tỷ lệ hồ sơ trả đúng hẹn của các địa phương, đơn vị đều đạt cao.

Điển hình như, tại Sở Tài nguyên - Môi trường thì trong các năm 2012-2013 tiếp nhận 627 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 369 tổ chức thì số hồ sơ giải quyết đúng hẹn là 584 bộ, chiếm 93,14% và chỉ có 40 bộ quá hạn.

Hay ở Sở Xây dựng thì tất cả các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đều được giải quyết đúng hạn. Còn ở UBND huyện Đắk R’lấp thì năm 2013 đã giải quyết 5885/7244 hồ sơ, đạt khoảng 81%; Trong đó, hồ sơ giải quyết đúng hạn là 4404 bộ, chiếm gần 75% và quá hạn là 1481 bộ, chiếm 25%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Pháp chế HĐND tỉnh thì mặc dù các ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế cần phải khắc phục.

Cụ thể, việc thực hiện cơ chế “một cửa điện tử” còn lúng túng, bị động, chưa đi vào nề nếp. Một số cán bộ, công chức còn ỷ lại và giữ thói quen xử lý hồ sơ trên giấy, không tham gia tác nghiệp trên phầm mềm tin học; Nhiều hồ sơ giải quyết xong nhưng không cập nhật vào phần mềm.

Sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết công việc ở một số lĩnh vực liên quan đến thẩm quyền của nhiều ngành, nhiều cấp còn thiếu chặt chẽ đồng bộ, gây kéo dài thời gian xử lý hồ sơ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Còn tại cấp huyện, một số cơ quan, đơn vị liên quan như kho bạc, thuế… chưa sử dụng phần mềm “một cửa điện tử” nên dẫn tới việc giải quyết các TTHC cho tổ chức, cá nhân còn chậm… Song song đó, công tác tuyên truyền thực hiện cơ chế “một cửa điện tử” còn hạn chế nên tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch chưa nắm rõ thủ tục, quy trình, nhất là trong việc sử dụng hình thức tra cứu thông tin, nắm tình hình giải quyết hồ sơ thông qua kiốt đặt tại bộ phận “một cửa”.

Chất lượng, kỹ năng hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, còn một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc đơn giản hóa các TTHC, tờ khai… còn phụ thuộc vào văn bản của cấp trên, lại thường xuyên thay đổi, ban hành chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Việc lập sổ theo dõi các giao dịch công việc chưa đúng, chưa đầy đủ…

Từ thực tế nêu trên, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đề nghị các ngành, địa phương cần làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, xã thực hiện đúng quy định về giải quyết TTHC trên tất cả lĩnh vực, nhất là về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng.

Cùng với việc tham mưu cho UBND tỉnh, các ngành, địa phương chủ động, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, bổ sung các quy định mới về TTHC. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính ở bộ phận “một cửa” và các phòng, ban, địa phương cần được tăng cường, thực hiện thường xuyên.

Các ngành, địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các xã, thị trấn làm tốt công tác quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết sử dụng đất trên địa bàn. Bởi làm tốt được công tác quy hoạch sẽ tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Đặc biệt, các ngành, địa phương cần tập trung khắc phục những hạn chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, người dân  khi đến thực hiện các TTHC. Về phần mình, sau đợt giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh có hướng điều chỉnh mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ ở bộ phận “một cửa”, để họ yên tâm công tác.

Bài, ảnh: Lam Giang


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây