Tại khu vực chợ thị trấn Đắk Mil, hiện tại, cơ quan thuế đang quản lý hơn 250 hộ nằm trong diện thuế khoán.
Tiểu thương kinh doanh tại chợ thị trấn Đắk Mil |
Chị Bùi Thanh Thúy, một tiểu thương bán hàng quần áo trong chợ cho biết: “Hàng tháng, sạp hàng của tôi phải nộp 475.000 đồng theo diện thuế khoán. Với tình hình kinh doanh như hiện tại, tôi thấy mức thuế mỗi tháng như vậy là hợp lý. Hơn nữa, cứ mỗi lần đến kỳ nộp thuế, cán bộ thuế lại hướng dẫn tận tình những quy định, chính sách mới về thuế nên giúp tôi nắm bắt rất kịp thời. Những thắc mắc của người nộp thuế đều được cán bộ thuế giải đáp cụ thể, rõ ràng, tạo lòng tin đối với các hộ kinh doanh”.
Còn bà Hoàng Thị Hồng, tiểu thương bán hàng thực phẩm hàng tháng phải thực hiện mức thuế hơn 500.000 đồng. Bà Hồng chia sẻ: “Là hộ kinh doanh, buôn bán, ai cũng muốn nộp thuế càng ít thì càng tốt nhưng với tôi, mức thuế như hiện nay là phù hợp với điều kiện kinh doanh rồi. Cũng chính vì thế, hàng năm, tôi luôn nộp đúng số thuế theo quy định. Bởi, tôi nghĩ rằng, nộp thuế kịp thời, đầy đủ sẽ tạo cho mình động lực để phát triển kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn”.
Theo Ban Quản lý chợ Đắk Mil, hàng tháng, mức thuế khoán được quy định cho các tiểu thương ở mức từ 200.000 đến 2 triệu đồng. Thời gian gần đây, mặc dù, tình hình kinh doanh, buôn bán diễn ra không sôi động lắm nhưng hầu hết các hộ vẫn đồng thuận với mức thuế trên.
Để giúp các hộ hiểu rõ những quy định thuế và chấp hành tốt, hàng năm, Ban Quản lý chợ phối hợp với cán bộ thuế tăng cường kiểm tra sổ sách kế toán hộ kinh doanh theo tháng, quý. Thông qua công tác kiểm tra, Ban Quản lý sẽ xác định doanh thu đầu ra, từ đó, làm cơ sở pháp lý để quản lý thu thuế. Ngoài ra, cán bộ thuế thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý để tuyên truyền, vận động nên các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ đều chấp hành tốt các quy định.
Tương tự, nhiều hộ tiểu thương tại chợ Đức Minh, xã Đức Minh cũng đồng tình với mức thuế hiện nay mà ngành thuế địa phương quy định. Theo chị Nguyễn Thị Như Đức, tiểu thương buôn bán hàng quần áo tại chợ thì hàng tháng, mức thuế mà sạp hàng của chị phải đóng là 250.000 đồng. Hai năm nay, tình hình buôn bán khá ế ẩm nhưng chị vẫn luôn chấp hành tốt nghĩa vụ thuế.
Chị Đức cho biết: “Mức thuế này đã được phía Chi cục Thuế huyện niêm yết từ 3, 4 năm nay rồi. So với trước kia, những năm gần đây, buôn bán cũng không được nhiều lắm nhưng không thể vì thế mà mình chây ỳ hoặc xin giảm thuế xuống. Tôi nghĩ rằng, với tình hình khó khăn chung như hiện nay, mỗi cá nhân, tổ chức nên có ý thức chấp hành tốt thì tình hình kinh tế địa phương sẽ ổn định hơn”.
Theo Chi cục Thuế Đắk Mil thì xác định số thuế thu từ các tiểu thương thuộc diện thuế khoán là nguồn thu ổn định, đơn vị luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của hộ kinh doanh trong việc thực hiện chính sách thuế, nhằm tạo sự đồng thuận cao.
Đối với các tiểu thương chưa hiểu rõ về những quy định thuế, đội ngũ cán bộ thuế luôn hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình hình buôn bán hàng hóa khó khăn, một số cá nhân nộp thuế có nhiều ý kiến về mức thuế, thời gian nộp thuế… cơ quan thuế đã tận tình giải thích để các hộ hiểu rõ và chấp hành tốt quy định.
Riêng trong năm 2014, một số chính sách thuế có thay đổi, tác động trực tiếp đến người nộp thuế là hộ kinh doanh, vì thế, ngay từ quý IV năm 2013, cơ quan thuế địa phương đã tập trung rà soát lại toàn bộ số hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế tổ chức cấp mã số thuế cho tất cả các hộ, cá nhân kinh doanh chưa có mã số thuế và đưa vào danh bạ quản lý.
Chi cục Thuế huyện còn phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chức năng, các đội thuế để thực hiện công khai danh sách hộ kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế, cũng như các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đầy đủ, kịp thời.
Bài, ảnh: Nguyễn Lương