Giải đáp ý kiến của doanh nghiệp

Thứ hai - 16/06/2014 03:49 - Đã xem: 1035
Hỏi: Trích khấu hao tài sản cố định và mức áp dụng thuế suất, thuế giá trị gia tăng (GTGT) trích khấu hao được tính như thế nào? (Công ty cổ phần chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh (Chư Jút)).

Trả lời:
1. Về trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ):

Tại Khoản 7, Điều 9, Chương III, Thông tư số 45/2013/TT-BTC, ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định quy định nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định nêu rõ: “Trường hợp đánh giá lại giá trị TSCĐ đã hết khấu hao để góp vốn, điều chuyển khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì các TSCĐ này phải được các tổ chức định giá chuyên nghiệp xác định giá trị nhưng không thấp hơn 20% nguyên giá tài sản đó. Thời điểm trích khấu hao đối với những tài sản này là thời điểm doanh nghiệp chính thức nhận bàn giao đưa tài sản vào sử dụng và thời gian trích khấu hao từ 3 đến 5 năm. Thời gian cụ thể do doanh nghiệp quyết định, nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện. Đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thời điểm trích khấu hao của các TSCĐ nói trên là thời điểm doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần.” Từ quy định nêu trên, nếu đơn vị thẩm định lại giá trị TSCĐ để góp vốn, điều chuyển khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì được trích khấu hao theo quy định.

2. Thuế suất thuế Giá trị gia tăng (GTGT):

Tại Khoản 1, Điều 4, Chương I và Điều 11, Mục 1, Chương II, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, ngày 18/12/2013 của Chính phủ chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT quy định: “Đối tượng không chịu thuế GTGT: Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác". “Thuế suất thuế GTGT sẽ được tính 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này...”. Như vậy, sản phẩm gỗ cao su chưa qua chế biến thuộc đối tượng không chịu Thuế; Thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm gỗ cao su đã qua chế biến là 10%.

Phòng Tuyên truyền Hỗ trợ (Cục Thuế tỉnh)


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây