Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục

Thứ ba - 27/05/2014 07:31 - Đã xem: 885
Theo báo cáo của HĐND tỉnh, qua hơn 5 năm thực hiện Đề án “Kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên các trường học mầm non, phổ thông công lập từ năm 2008-2013”, toàn tỉnh mới đạt được 67% so với kế hoạch đề ra.

Qua thực tế giám sát của HĐND tỉnh thì do số lượng học sinh ngày càng đông, nhu cầu mở mới các trường, điểm trường, lớp học tăng, nên dù đã nỗ lực đầu tư, nhưng cũng không kịp đáp ứng điểm lập đề án. Một số địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, nên khi nguồn vốn đối ứng quá lớn, thì không đáp ứng được theo tiến độ.

Nhờ nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp, học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Phùng ở xã Đắk N’drót (Đắk Mil) được học trong những phòng học khang trang

Một số trường học ở các xã trung tâm huyện vẫn chưa làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến tình trạng tranh chấp với các hộ dân, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình theo kế hoạch. Không ít nhà công vụ cho giáo viên chưa đảm bảo, nhanh xuống cấp, không có công trình vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Đặc biệt, việc phối kết hợp giữa các ngành liên quan chưa thực sự chặt chẽ, thống nhất. Công tác tuyên truyền, huy động ở một số địa phương chưa tốt nên chưa thu hút được sự tài trợ, đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn…

Trước thực tế đó, vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án “Kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên các trường học mầm non và phổ thông công lập, giai đoạn 2014-2016” để tiếp tục từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Theo đề án, hiện toàn tỉnh cần được đầu tư xây dựng thêm 995 phòng học, chủ yếu ở bậc mầm non và diện tích xây mới nhà công vụ cho giáo viên là 22.666 m2. Trong đó, số phòng học cần có để xóa phòng học tạm, mượn ở bậc mầm non là 262 phòng, bậc phổ thông là 437 phòng; Số phòng học cần bổ sung để đáp ứng dạy 2 buổi/ngày là 296 phòng.

Để tránh gặp phải những vướng mắc, hạn chế như trong quá trình thực hiện đề án giai đoạn trước, HĐND tỉnh cũng đã đề ra những giải pháp khắc phục cụ thể. Theo đó, trong quá trình thực hiện đề án, UBND tỉnh cần dựa trên điều kiện thực tế ở các vùng, miền để có sự phân bổ nguồn vốn phù hợp, tránh trường hợp phát sinh vốn đầu tư do nguyên nhân tăng giá cả, quá trình vận chuyển nguyên, vật liệu...

Các địa phương tích cực lập phương án để hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những đơn vị trường học chưa có, tránh tình trạng tranh chấp; Đồng thời, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, thống nhất để thực hiện đề án một cách hiệu quả.

Các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng xóa phòng học tạm, mượn và nhà công vụ cho giáo viên, tạo sự đồng thuận, quan tâm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội. Việc tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra trong suốt quá trình triển khai đề án của các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể cũng cần được chú trọng.

Được biết, trên tinh thần và các mục tiêu của đề án, hiện các địa phương đã lập kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể qua từng năm cũng như đang triển khai xây dựng các công trình để đưa vào sử dụng. Điển hình như huyện Đắk Mil đã xây dựng được 8 phòng học và 2 công trình nhà vệ sinh ở 4 trường mầm non và đang hoàn thiện các hồ sơ để tiếp tục xây dựng thêm 6 phòng học khác, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây