Nhiều sai sót trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thứ tư - 02/04/2014 03:42 - Đã xem: 979
Thời gian qua, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho nhân dân. Tuy nhiên, công tác này quá trình thực hiện nay cũng còn bộc lộ nhiều sai sót cần phải được khắc phục kịp thời.

SAI VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC

Theo quy định tại Điều 135, Nghị định 181/2004/NĐ-CP (Nghị định 181), ngày 29/10/2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 thì không quy định việc thành lập hội đồng tư vấn, xét cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên tại các huyện  như Đắk Mil, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Chư Jút, Đắk Song, Đắk Glong, các xã vẫn triển khai thực hiện công việc này.

Lý giải về nguyên nhân này, lãnh đạo các xã đều cho rằng, do nguồn gốc đất trên địa bàn phần lớn đều không rõ ràng, có thể là tự khai phá, lấn chiếm từ đất của các nông, lâm trường, chuyển nhượng qua nhiều người sử dụng nên địa phương phải thành lập hội đồng để xét cấp. Thế nhưng, qua công tác thanh tra, nhiều quyết định cấp GCNQSDĐ, trong đó việc thành lập hội đồng tư vấn, xét cấp đất của UBND các xã còn thiếu khách quan, biên bản xét duyệt không thể hiện đầy đủ các thành phần tham dự, số người tham gia, số người vắng mặt, đại biểu mời… Từ đó, các hội đồng này đã không phát huy được ý kiến của các thành viên. Việc thành lập hội đồng chỉ làm cho quá trình thêm rườm rà và hình thức.

Về việc thực hiện kiểm tra trước khi xác nhận vào đơn xin cấp GCNQSDĐ, chính quyền địa phương cơ sở thực hiện có nhiều sai phạm. Tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định 88/2009/NĐ-CP (Nghị định 88), ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nêu rõ: Trường hợp người đề nghị cấp GCNQSDĐ nộp hồ sơ tại UBND xã, thị trấn thì chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm thực hiện các công việc như kiểm tra, xác nhận vào đơn đề nghị cấp giấy; công bố công khai kết quả kiểm tra tại trụ sở, xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung đã công khai; gửi hồ sơ đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nơi có đất để thực hiện các các công việc tiếp theo. Tuy nhiên, qua thực tế thì nhiều xã đã xác nhận vào đơn xin cấp GCNQSDĐ trước ngày công khai kết quả kiểm tra. Điều này là chưa đúng và không hợp lệ vì có những trường hợp đã xảy ra tranh chấp chỉ từ khi UBND xã công khai kết quả kiểm tra hồ sơ…

Nhiều diện tích đất có nguồn gốc từ xâm canh, đất lâm nghiệp... cũng là yếu tố gây khó khăn, phức tạp cho công tác cấp GCNQSDĐ. Ảnh: Công Tính

VÀ THỜI GIAN, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH

Cũng theo quy định tại Điều 135, Nghị định 181 thì thời gian thực hiện cấp GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất là 55 ngày không kể thời gian thông báo công khai và người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau ngày 10/12/2009, thời gian rút xuống còn 50 ngày theo quy định tại Nghị định số 88 và sau ngày 05/7/2011 là 33 ngày theo quy định của Thông tư số 16/ 2011/TT-BTNMT, ngày 20/5/2011 của Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, 8 huyện, thị xã đều để xảy ra tình trạng chậm trễ so với thời gian quy định. Cụ thể, ở thị xã Gia Nghĩa, địa phương này có đến 45% hồ sơ thời gian thực hiện chậm trong tổng số 50% hồ sơ được chọn để kiểm tra; ở huyện Đắk R’lấp có 50% hồ sơ chậm trong tổng số 60% hồ sơ được kiểm tra, còn ở huyện Đắk Glong có 45% số hồ sơ chậm trong tổng số 60% hồ sơ được kiểm tra và Đắk Song thì trong 90% số hồ sơ kiểm tra có đến 70% chậm… Ngoài ra, không ít hồ sơ có thời gian triển khai đến hàng năm, cụ thể như ở thị xã Gia Nghĩa, Đắk R’lấp, một số hồ sơ chậm tới 1 năm và ở huyện Đắk Song có hồ sơ chậm đến  2 năm…

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo từng thời kỳ, từng năm chính là cơ sở để các cơ quan chuyên môn xem xét việc cấp GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên do những nguyên nhân khác nhau, nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng cấp đất sai so với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2000 - 2010, nhất là đối với trường hợp quy hoạch đất nông nghiệp nhưng lại cấp giấy chứng nhận với mục đích là đất ở. Cụ thể, huyện Đắk Song có 45 trường hợp, Đắk Mil có 12 trường hợp, Đắk R’lấp có 71 trường hợp, Đắk Glong có 20 trường hợp và Krông Nô có 2 trường hợp.

CẦN SỚM KHẮC PHỤC

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường thì nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế trên là do cán bộ địa chính ở các xã, phường, cũng như cán bộ phụ trách chuyên môn ở các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, phòng tài nguyên môi trường còn ít kinh nghiệm, việc hiểu, cập nhật và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời. Thiết nghĩ để công tác cấp GCNQSDĐ thời gian tới được hiệu quả, tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thì việc Ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã cần phải làm ngay đó là nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với từng cấp, từng bộ phận, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp về lĩnh vực này cũng phải được tiến hành thường xuyên hơn, nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, tránh để vấn đề kéo dài gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đất đai, cũng như niềm tin cho nhân dân…

Trần Lê


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây