Mô hình trồng cây gấc ở địa bàn huyện Cư Jút
Thứ sáu - 06/06/2014 03:38
- Đã xem: 11957
Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trong những năm gần đây bà con nông dân ở huyện CưJút đã đưa cây gấc vào trồng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Chúng tôi có dịp đi tham quan mô hình trồng gấc của gia đình ông Trần Văn Định ở TDP5, thị trấn Ea Tling vào những ngày đầu tháng 6. Ông Định cho biết: Năm 2013 được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của các ngành chuyên môn và sự hỗ trợ giống từ Công ty TNHH Sản xuất DVTM gấc Tây Nguyên, ông đã đưa cây gấc vào trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 1.ha đất vườn của gia đình. Nhờ trồng đúng kỹ thuật, được đầu tư chăm sóc chu đáo, nên vườn gấc của gia đình ông phát triển tốt và đã cho thu hoạch, mang về cho gia đình ông khoản thu nhập trên 100 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn toàn huyện CưJút phát triển được 12 ha gấc, diện tích tập trung nhiều ở thị trấn Ea Tling, xã Tâm Thắng,…Được biết, gấc là một loại dây leo, sống khá lâu từ 15 - 20 năm, lá to bằng bàn tay và xòe kiểu chân vịt; cây gấc không kén đất, biên độ sinh thái rộng, có sức chống chịu tốt, ít sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, cây gấc lại dễ chăm sóc, không đòi hỏi kỹ thuật cao, không phải đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đầu ra ổn định. Bình quân 1 ha sẽ trồng được 500 gốc gấc. Thời gian sinh trưởng ngắn từ lúc ươm bầu đến 3, 5 tháng gấc sẽ cho ra qủa. Nếu điều kiện khí hậu thuận lợi và được chăm sóc tốt, 1 ha gấc sẽ thu hoạch được 18 tấn trong năm thứ nhất, 36 tấn trong năm thứ hai và cứ thế nhân lên trong năm thứ ba. Với giá thị trường như hiện nay khoảng 7 ngàn đồng/ kg, thì 1 ha gấc bà con nông dân thu về gần 150 triệu đồng. Với mức thu nhập này cây gấc đã từng bước khẳng định là loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác. Một điều đáng nói ở cây gấc là ngoài tác dụng ẩm thực,g còn được biết đến là một loại cây có giá trị kinh tế cao trong y học với công dụng làm thuốc chữa bệnh, dược phẩm làm đẹp cho con người. Vì vậy, sau thời gian làm thí điểm thấy cây gấc mang lại hiệu quả kinh tế khả quan nên nhiều bà con nông dân trong huyện đã tìm đến với cây trồng này nhằm đa dạng hoá cây trồng và tăng thu nhập cho gia đình. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyenej đã có khoảng 100 hộ đăng ký tham gia mô hình trồng gấc với diện tich trên 120 ha.
Có thể nói, mặc dù là một loại cây trồng còn rất mới mẻ trên đồng đất Cư Jut nhưng với hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại đã từng bước khẳng định triển vọng của loại cây trồng này.. Hy vọng, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng cần sớm định hướng cho bà con nông dân trong việc phát triển cây gấc theo quy hoạch và thực sự trở thành cây trồng xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Hương Thơm - Thanh Thủy
Nguồn tin: Đài TT-TH huyện Cư Jút