Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở Đắk Wil

Thứ hai - 21/07/2014 20:44 - Đã xem: 1537
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, những năm trước đây, xã Đắk Wil (Chư Jút) luôn là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng cao. Trước tình hình đó, Trạm y tế xã đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ để giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng trên địa bàn.

Theo chị Vương Thị Hằng, Trưởng Trạm y tế xã Đắk Wil thì trở ngại lớn nhất trong thực hiện phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn là đời sống của phần lớn người dân còn khó khăn, nên cả một thời gian dài họ chưa chú trọng đến việc chăm sóc trẻ.

Hầu hết các bà mẹ đều không thực hiện cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm quá sớm, khi bộ máy tiêu hóa của trẻ còn yếu dẫn đến hay bị bệnh về đường tiêu hóa. Nhiều bà mẹ chế biến thức ăn chưa hợp lý, chưa đảm bảo vệ sinh và chưa biết cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.

Trước thực tế đó, để triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, những năm gần đây, Trạm y tế xã đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức về phòng, chống suy dinh dưỡng cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc, nhất là các bà mẹ và phụ nữ mang thai.

Trung bình mỗi quý, Trạm tổ chức khoảng 2 buổi tuyên truyền, thực hành dinh dưỡng, trình diễn bữa ăn mẫu cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Cán bộ y tế đã lồng ghép tuyên truyền cho các bà mẹ qua các đợt cân, đo, uống vitamin A và tiêm phòng cho trẻ. Trạm cũng đã thành lập được một phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ”, thu hút nhiều chị em tham gia mỗi khi có thắc mắc về chế độ dinh dưỡng cho trẻ.

Cùng với đó, cán bộ tế thôn, buôn phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền lồng ghép về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ tại các buổi sinh hoạt đoàn thể, họp thôn, buôn. Bình quân mỗi năm, Trạm đã tư vấn được cho gần 300 lượt bà mẹ mang thai và có con dưới 5 tuổi về các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng.

Có thể nói, bằng việc đẩy mạnh công tác truyền thông, trang bị kiến thức, các bậc cha mẹ nói riêng và cộng đồng nói chung từng bước nâng cao nhận thức về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Chị H’Lan ở buôn Trum tâm sự: “Cũng vì cuộc sống khó khăn nên khi sinh con đầu lòng, tôi hầu như ít để ý đến việc ăn uống đảm bảo khi mang thai cũng như cách chăm sóc khi cháu ra đời nên cháu bị suy dinh dưỡng về cân nặng. Thế nhưng, khi sinh cháu thứ hai, tôi đã được cán bộ y tế tuyên truyền về cách bổ sung sắt, canxi trong kỳ thai sản, được thực hành dinh dưỡng, tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ, biết cách chế biến, thay đổi món ăn hàng ngày nên con tôi tăng cân đều, không bị suy dinh dưỡng như cháu đầu”.

Còn chị Trần Thị Châu ở thôn 9 cũng nói: “Trước đây, tôi cứ nghĩ cho con ăn nhiều là sẽ không thiếu chất, nhưng cháu vẫn phát triển rất chậm, nhất là cân nặng. Sau khi đến phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” thì tôi mới biết là do mình chưa biết cách chế biến và kết hợp các loại thức ăn không đúng cách nên mất chất dinh dưỡng. Việc ăn một loại thức ăn thường xuyên khiến cháu ngày càng trở nên biếng ăn hơn. Vì vậy, tôi đã quyết định thực hành chế biến thức ăn theo hướng dẫn của cán bộ y tế xã được vài tháng nay và thấy cháu đã tăng được hơn 2 kg nên rất mừng”.

Theo điều tra, đánh giá của Trạm y tế xã thì nhờ chú trọng thực hiện các biện pháp đồng bộ, nên tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trong toàn xã đã giảm dần qua từng năm. Nếu năm 2012, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 24% thì đến nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 20%.

Điều đáng mừng là nhận thức của người dân về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ ngày càng được nâng cao nên số lượng chị em tham gia các hoạt động tư vấn, trình diễn bữa ăn mẫu, cho trẻ uống vitamin ngày càng nhiều. Nhiều chị em trong thời kỳ mang thai còn chủ động tìm hiểu qua sách báo hoặc đến trạm để được tư vấn về cách phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ trước khi sinh con.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây