Theo đó, giống lúa mới B-TE1 này có ưu điểm là cây cứng, khả năng chống đổ ngã do gió mưa gây ra cao và có thể kháng được một số loại bệnh trên cây lúa như đạo ôn, rầy nâu… năng suất đạt 9 - 11 tạ/sào, gấp 1,5 lần so với loại lúa thông thường.
Sau khi lai tạo giống, thể trạng đàn bò của gia đình bà Lê Thống Nhất ở thôn 3 phát triển to lớn |
Còn gia đình ông Phạm Nguyên Hồng, ở thôn 5 thì đưa giống thanh long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 3 sào. Theo ông Hồng thì loại thanh long này cho năng suất cao gấp 2 - 3 lần thanh long thường. Mỗi năm, nếu chăm sóc đúng cách thì nó sẽ ra trái khoảng 5 - 6 vụ, giá bán cũng cao hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn.
Không chỉ đưa những giống cây mới vào trồng thử nghiệm, các hộ dân ở xã Tâm Thắng còn chú trọng cải tạo những giống vật nuôi truyền thống để cho kết quả cao. Như trường hợp gia đình bà Lê Thống Nhất ở thôn 3, trước đây, gia đình bà thường chăn nuôi loại bò cỏ theo phương pháp thả rông nên lâu lớn và con nhỏ. Nhưng vài năm trở lại đây, gia đình bà đã được hỗ trợ bò đực giống Sind - Bradman để lai tạo giống, vì thế chất lượng đàn bò đã hơn trước. Không chỉ to lớn, mà chất lượng thịt cũng tốt hơn.
Hiện tại, gia đình bà Nhất đã có 14 con bò giống và bò thịt; trung bình mỗi năm, bà bán từ 3 - 4 con bê và bò thương phẩm. Điều đáng nói, hiện tại, gia đình bà cũng đã tận dụng đất trống và phá bỏ những cây cà phê già cỗi để trồng giống cỏ VA-06 cho bò ăn theo Dự án hỗ trợ động vật ăn cỏ của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia (SIAT). Bà Nhất cho biết: “Loại cỏ này bò ăn rất tốt, non, nhiều đạm nên phát triển nhanh. Hơn nữa, cỏ do gia đình tự trồng và bò không ăn các loại thức ăn tổng hợp, nên chất lượng thịt cũng đảm bảo, người mua rất ưng ý”.
Bà Lê Thống Nhất ở thôn 3, xã Tâm Thắng tận dụng đất trồng cỏ VA06 để chăn nuôi bò |
Theo ông Đỗ Lần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng thì thời gian qua, để giúp nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng thì Hội đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động đồng hành cùng nông dân.
Hiện tại, toàn xã đã xây dựng 7 tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng trọt và chăn nuôi để nông dân chia sẻ, trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng như nhân rộng các mô hình kinh tế mới, hiệu quả. Do đó, ngoài các mô hình trên thì xã còn xây dựng nhiều mô hình điểm chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi như chăn nuôi thỏ, heo rừng lai thương phẩm, sản xuất rau an toàn, phát triển cà phê bền vững, trồng tiêu trên trụ gỗ rừng trồng ngâm với chế phẩm XM5…
Qua mỗi mô hình, trước khi nhân rộng, các cơ quan chức năng đều theo dõi, đánh giá, kiểm tra nghiêm túc để phân tích những ưu, khuyết điểm.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế thì cùng với việc triển khai vốn vay giải quyết việc làm, chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” thì Hội còn thường xuyên vận động quỹ tương trợ trong hội viên bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ ngày công, bán cây, con giống không tính lãi cho 24 hộ với số tiền khoảng 60 triệu đồng.
Ngoài ra, việc động viên, khích lệ hội viên mạnh dạn, sáng tạo trong phát triển sản xuất để nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi cũng được thực hiện thường xuyên.
Có thể nói, cùng với sự vào cuộc của Hội, cộng với tính năng động, dám nghĩ, dám làm của nông dân, đời sống của nông dân xã Tâm Thắng đã được nâng lên đáng kể. Theo thống kê, năm 2013, toàn hội có 314 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp thì đã có 308 hộ đạt, trong đó cấp tỉnh 42 hộ, cấp huyện 157 hộ, cấp xã 109 hộ.
Bài, ảnh: Hoàng Hoài