(Ông: Mai Đình Lạc bên vườn cây ăn trái của gia đình mình) Theo chân ông Bùi Đình Tăng – Phó CT UBND xã Nam Dong, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn trái của gia đình ông Mai Đình Lạc ở thôn 16, xã Nam Dong. Trong căn nhà khang trang, ông Lạc vui vẻ kể với chúng tôi về cuộc đời của mình, cũng như cách làm giàu trên vùng đất được cho là “đất cằn – sỏi đá”. Rời quê hương Hải Hậu, tỉnh Nam Định, năm 1991 ông Lạc cùng gia đình vào định cư tại thôn 16, xã Nam Dong. Những ngày đầu trên vùng đất mới, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, ông phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Với 2 bàn tay trắng cộng với ý chí làm giàu trên vùng đất đá sỏi này, năm 1997, ông xem ti vi, thấy nhiều ông chủ phất lên từ vườn cây ăn trái và ông đã tự đi tìm tòi, học hỏi tại các tỉnh bạn như Đồng Nai , Bến Tre về các mô hình vườn cây ăn trái, mà cụ thể là cây quýt đường. Thời điểm đó, ở huyện Cư Jút chưa có ai đầu tư trồng loại cây này, không biết có phù hợp với thổ nhưỡng hay không nên ông Lạc chỉ trồng thử 200 cây quýt đường. Trong 3 năm đầu, ông cũng nghe những lời ra tiếng vào của bà con nói rằng cây quýt trồng ở đây không phù hợp, trái chua chứ không ngọt như ở những vùng đất khác, nghe vậy, ông Lạc và gia đình cũng bị dao động và lo lắng nhưng đã đâm lao đành phải theo lao. Sau một thời gian đưa vào trồng, lứa qủa đầu tiên đã đem lại cho gia đình ông trái ngọt. Với kết quả đó, khẳng định rằng cây quýt đường đã có chỗ đứng trên vùng đất thôn 16, xã Nam Dong. Cũng chính từ đó ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vườn quýt của gia đình. Đến nay, ông Lạc đã phát triển được 3 ha quýt, đem lại nguồn lợi không nhỏ cho gia đình. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí ông Lạc thu về từ 300 đến 400 triệu đồng/năm. Hiện ông đã xây dựng được căn nhà khang trang, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt đắt tiền.
Sau gần 10 năm thu hoạch, cây quýt của gia đình ông đã vào giai đoạn khai thác cuối và để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, ông đã trồng xen canh các loại cây như: sầu riêng, chôm chôm, ổi không hạt.v.v… để vừa làm phong phú cây trồng, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Một điều đáng ghi nhận ở ông Mai Đình Lạc là ngoài làm kinh tế giỏi, ông là người có tấm lòng nhân hậu, biết quan tâm, chia sẻ khó khăn với bà con lối xóm, tận tình hướng dẫn kỹ thuật về cây trồng, nhất là những hộ muốn phát triển diện tích cây quýt ngọt trên vùng đất Tây Nguyên như ông. Với sự nỗ lực của ông trong quá trình làm kinh tế và sự tín nhiệm của Cấp ủy, Chính quyền địa phương nên ông đã nhanh chóng chiếm được sự tin yêu, quý trọng của bà con trong thôn và ông được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn 16. Trên cương vị Bí thư Chi bộ, ông đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cách làm giàu cũng như việc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào hoạt động ở địa phương. Đồng thời tham gia xây dựng Chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo các đoàn thể và nhân dân chăm lo phát triển kinh tế - xã hội.
(Ông: Bùi Đình Tăng - Phó CT UBND xã Nam Dong huyện Cư Jút)
Dám nghĩ, dám làm, biết vượt qua khó khăn, ông Mai Đình Lạc đã thành công trong cách làm giàu của mình trên vùng đất khó; đồng thời ông còn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và luôn hoàn thành tốt công tác xã hội. Đây thực sự là tấm gương sáng rất đáng để mọi người học tập và làm theo./.
Văn Trọng
Ảnh chụp từ Video của Đài TT-TH Cư Jút