Song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong huyện nên kết quả đạt khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, đời sống nhân dân ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà - CT UBND huyện CưJút: một nét nổi bật trong năm 2017 của huyện CưJút đó là để từng bước nâng cao vị thế sản phẩm nông nghiệp của địa phương, UBND huyện Cư Jút đã xây dựng Đề án thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Đề án liên kết sản xuất là cơ hội giúp nông dân và doanh nghiệp xích lại gần hơn nhằm thực hiện cam kết nông dân có đầu ra ổn định, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, nhà nước làm “bà đỡ” để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, đảm bảo VSATTP, đáp ứng yêu cầu chế biến của của thị trường. Đến nay đã xây dựng chuỗi sản xuất với diện tích trên 40 ha đậu nành và 40 ha đậu phụng, gần 3ha cây dược liệu; thành lập được 6 THT sản xuất Hồ tiêu sạch với 219 thành viên, diện tích gần 300ha hồ tiêu. Đây là chiến lược thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Với việc thực hiện thành công chuỗi liên kết trong sản xuất hồ tiêu sạch sẽ tạo cú hích quan trọng cho hơn 4.000 ha ở huyện CưJut sản xuất theo chuỗi và đáp ứng điều kiện ATTP của thị trường quốc tế.
Trong năm 2017 tổng diện tích gieo trồng của huyện CưJút là 42.515ha cây trồng các loại. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 142 ngàn tấn, vượt 2% kế hoạch. Giá trị thu nhập bình quân/01ha canh tác đạt 65 triệu đồng. Về lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển khá; tổng giá trị sản xuất của ngành đạt trên 2.380 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016. Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương và đưa huyện CưJút trở thành địa phương có nền công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh cũng được huyện chú trọng phát triển. Đến nay 100% số xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm, trên 80% đường giao thông nông thôn được cấp phối, bê tông và nhựa hoá, đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và lưu thông hàng hoá. Hệ thống điện, trường, trạm và nhiều công trình khác thuộc các dự án của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia được huyện triển khai thi công kịp thời, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Trong năm 2017 huyện CưJut đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp được 60.150 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 50.310 triệu đồng và huy động nhân dân, doanh nghiệp 9.840 triệu đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Hiện xã Tâm Thắng giữ vững 19 tiêu chí – xã đạt chuẩn nông thôn mới; xã Nam Dong đạt 19 tiêu chí – đạt chuẩn nông thôn mới; xã Cư Knia, Đắk Wil đạt 11 tiêu chí; các xã Đắk D’rông, Ea Pô, Trúc Sơn đạt 10 tiêu chí. Bình quân các xã đạt 12,9 tiêu chí.
Xác định “ Dân giàu Nước mới mạnh”, vì vậy công tác giảm nghèo nâng cao đời sống cho nhân dân được huyện Cưjút đặc biệt quan tâm. Từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, nguồn vốn hỗ trợ từ các kênh Hội các cấp, các ngành ở huyện đã tập trung tuyên truyên, phổ biến nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật và hỗ trợ cho người nghèo phát triển kinh tế. Nhờ vậy, đến cuối năm 2017 đã giảm 3,33% so với năm 2016, cao hơn chỉ tiêu của tỉnh 2,5%, còn 1.913 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 9,03% tổng số hộ toàn huyện, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng /người /năm. Điều đạt được không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất mà còn thể hiện tính nhân văn cao cả, tình thương yêu đùm bọc đoàn kết một lòng giữa đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và sự điều hành của chính quyền địa phương.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà - CT UBND huyện CưJút: bên cạnh những kết quả đạt được trên các lĩnh vực KT-XH, năm 2017 là một năm đánh dấu bước ngoặt trong công tác cải cách hành chính của huyện và là đơn vị đứng đầu trong các huyện, thị của tỉnh Đăk Nông. Huyện đã tập trung kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính và đã cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của 60 thủ tục ở cấp huyện và 26 thủ tục hành chính ở cấp xã, với số giờ cắt giảm từ 20-40%/tổng số giờ của 1 thủ tục. Thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp do Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng. Công khai số điện thoại đường dây nóng để nhân dân, doanh nghiệp biết và tiện liên hệ. Thường xuyên cập nhập nội dung các văn bản chỉ đạo, thông báo, kết luận trên Trang thông tin điện tử của huyện để người dân, doanh nghiệp tiện theo dõi. 100% các cơ quan, đơn vị ở cấp huyện và UBND 08 xã, thị trấn triển khai phần mềm Văn phòng điện tử I-office; 85% cán bộ, công chức các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn sử dụng mail công vụ trong trao đổi công việc; chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo quản chứng thư số, chữ ký số cho 8/8 xã, thị trấn; tiếp nhận 58 chứng thư số, chữ ký số của các phòng, ban, cơ quan, đơn vị để bàn giao cho các đơn vị sử dụng, từng bước thực hiện chính quyền điện tử theo lộ trình chung.
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2015-2020. Huyện CưJut cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng tham mưu, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện, cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9%. Cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - xây dựng cơ bản, thương mại dịch vụ, nông lâm nghiệp; trong đó công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 37%, thương mại dịch vụ 36% và nông lâm nghiệp 27% ; bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội,...
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cùng với vịêc phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, sự giúp đỡ các Sở ban ngành của tỉnh Đăk Nông chắc chắn rằng huyện Cư jút sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, trở thành một huyện vững về chính trị, mạnh về kinh tế, vững về QP-AN của tỉnh Đăk Nông.