Chư Jút, khuyến công “tiếp sức” cho các cơ sở công nghiệp

Thứ sáu - 11/10/2013 03:50 - Đã xem: 1186

Chư Jút, khuyến công “tiếp sức” cho các cơ sở công nghiệp

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) thì từ năm 2008 đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Chư Jút, đơn vị đã triển khai thực hiện được 12 đề án khuyến công, với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 500 triệu đồng.
Trong đó, các đề án đã tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau như: đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; nâng cao năng lực quản lý; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ; hỗ trợ liên doanh, liên kết; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại; xây dựng thương hiệu; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa...


Thiết bị máy sấy cà phê kiểu đứng do Xí nghiệp Thanh Cẩn mới nghiên cứu và chế tạo
 


Thực tế cho thấy, với nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực, các đề án khuyến công đã “tiếp sức”, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện cải tiến công nghệ, mua sắm mới các máy móc, thiết bị tiên tiến; đồng thời, mở rộng nhà xưởng, tuyển thêm lao động, phục vụ cho quá trình sản xuất. Không ít doanh nghiệp, nhờ được khuyến công hỗ trợ kinh phí và tư vấn kỹ thuật đã ngày càng phát triển, tạo tiền đề mở rộng cơ sở sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Ðơn cử như Xí nghiệp tư nhân cơ khí - thương mại-dịch vụ Thanh Cẩn ở xã Tâm Thắng, năm 2011 đã được Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 70 triệu đồng để ứng dụng công nghệ sơn tĩnh điện vào quá trình sản xuất các mặt hàng cơ khí. Từ đề án này, doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đầu tư gần 3,5 tỷ đồng để xây mới nhà xưởng và mua sắm thêm các máy móc, thiết bị hiện đại.
Sau khi áp dụng công nghệ mới, công suất hoạt động của doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Riêng việc sơn tĩnh điện, doanh nghiệp đã có thể thực hiện được khoảng 200.000 m2 cho tất cả các máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng. Cũng từ những máy móc mới này, doanh nghiệp đã phát triển thêm các sản phẩm mới và có mẫu mã đa dạng, kích thước lớn hơn để phục vụ thị trường tiêu dùng.
Hay như Công ty TNHH MTV cà phê Hương Nguyên tại thôn 1, xã Tâm Thắng, năm 2011 cũng được Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 50 triệu đồng để ứng dụng máy móc, thiết bị vào trong chế biến cà phê bột. Với công nghệ mới này, doanh nghiệp đã có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng lực lao động và nhất là tăng công suất chế biến từ 15 tấn lên 40 tấn/năm…
Cơ sở Cơ khí Hợp ở xã Tâm Thắng, trong năm 2012 cũng đã được Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng dây chuyền sản xuất máy móc phục vụ chế biến nông sản. Nhờ đó, sản phẩm hàng hóa do cơ sở tạo ra đã ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh thu bình quân của cơ sở cũng đã thực hiện được gần 3,7 tỷ đồng/năm; đồng thời, giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương, với mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng…
Cũng theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thì hiện nay, đơn vị cũng đã lập đề án hỗ trợ kinh phí cho Công ty TNHH MTV cà phê Hương Nguyên để xây dựng thương hiệu. Cùng với sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật từ phía cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Chư Jút đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì sự phát triển, góp phần đắc lực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động tại địa phương.
Bài, ảnh: Lê Dung

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây