Huyện Cư Jut thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thứ sáu - 21/02/2014 10:03
- Đã xem: 1005
Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, thời gian qua, huyện Cư Jut đã thành lập BCĐ đề án; đồng thời thành lập Trung tâm dạy nghề của huyện để tổ chức mở các lớp dạy nghề dài hạn và ngắn hạn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng nông thôn.
Cư Jut là một huyện biên giới, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, dân số trên 95.000 người, với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống. Số người trong độ tuổi lao động khoảng trên 62.000 người. Trong đó, số lao động làm việc ở khu vực nông thôn chiếm 76,91% và hầu hết chưa qua đào tạo. Khi có QĐ 1956 của TTg về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và huyện cũng đã xác định đây là một trong những tiêu chí cần thực hiện hoàn thành trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đồng thời, việc phát triển nguồn nhân lực có tay nghề là một trong những yếu tố đảm bảo cho huyện phát triển bền vững.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện đạt kết quả cao, thời gian qua huyện Cư Jut đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về mục đích đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Mặt khác, huyện đã xây dựng Trung tâm đào tạo nghề huyện và thành lập BCĐ đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ huyện đến các xã, thị trấn. Từ đó, tổ chức mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của người dân. Đặc biệt chú trọng các ngành, nghề thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh về các mặt hàng nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Bà H’Yer ở Bon U2 thị trấn Ea T’ing là một trong những người tham gia lớp học dệt thổ cẩm do trung tâm dạy nghè mở, bà cho biết: trước đây bà cũng có biết đôi chút về kỹ thuật dệt thổ cẩm nhưng để biết hết về những nét hoa văn, họa tiết thì chưa nên khi huyện mở lớp học này bà đã đăng ký tham gia, vừa để nâng cao tay nghề và qua đó còn lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình cho thế hệ mai sau.
Theo thống kê: chỉ tính riêng trong năm 2013, Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jut đã phối hợp với các địa phương mở được 7 lớp học nghề về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Hồ tiêu, cao su, chăn nuôi lợn hay lớp dệt thổ cẩm.v.v… với 239 học viên tham gia. Những lớp dạy nghề này khi tổ chức đều dựa trên nhu cầu thực tế của người dân. Khi được học nghề, bà con nông dân đã biết được kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để về áp dụng tại gia đình, góp phần hạn chế được bệnh dịch, nâng cao hiệu quả kinh tế; qua đó, cũng để bảo tồn, khôi phục các ngành nghề truyền thống của cha ông. Ngoài Trung tâm dạy nghề của huyện thì thời gian qua, BCĐ 1956 của Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề khác trong và ngoài huyện như: trung tâm giáo dục thường xuyên, trường TC nghề Phương Nam và các cơ sở tin học trên địa bàn huyện đẻ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, trong năm 2013, các cơ sở dạy nghề này đã đào tạo nghề được gần 4.500 lao động nông thôn ở huyện, trong đó lái xe mô tô có 3.200 người, còn lại là các ngành nghề khác.
Có thể nói, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chuyên sâu, nhưng trong thời gian qua, huyện Cư Jut đã cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của huyện, giúp các địa phương nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và từng bước hoàn thành tiêu chí cơ cấu lao động trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hương Thơm - Thanh Thủy
Nguồn tin: Đài TT-TH huyện Cư Jút