Được biết, năm 1990, ở Việt Nam phát hiện 01 trường hợp đầu tiên nhiễm HIV và đến nay con số đó lên tới hàng triệu người bị nhiễm HIV. Tính đến tháng 12/2012, toàn tỉnh Đăk Nông có trên 600 trường hợp nhiễm HIV, riêng huyện Cư Jút đã phát hiện gần 200 trường hợp bị nhiễm HIV, trong đó số phụ nữ trong độ tuổi mang thai bị phơi nhiễm chiếm 21,2%. Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu “Loại trừ hoàn toàn trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào năm 2015” của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện, Trung tâm phòng chống HIV và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đăk Nông đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện Cư Jut và UBND xã Nam Dong tổ chức lễ phát động tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, của mọi người dân nói chung và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai nói riêng về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ; tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để những đứa con thân yêu của mình không bị nhiễm căn bệnh nguy hiểm này.
Với chủ đề “Xét nghiệm HIV cho mẹ - sức khỏe cho con” nên tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2013 sẽ tổ chức các hoạt động gồm: tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, đặc biệt tập trung vào những phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV; chăm sóc và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV; cung cấp sữa cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV; tăng cường các hoạt động khám, quản lý thai sản, cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ nói chung và phụ nữ nhiễm HIV nói riêng. Kêu gọi tất cả phụ nữ mang thai, đặc biệt những phụ nữ mang thai có nguy cơ lây nhiễm HIV hãy đến các cơ sở cung cấp dịch vụ để được tư vấn, xét nghiệm sớm phát hiện tình trạng nhiễm HIV và để nhận được các dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng thích hợp. Sau lễ phát động, các bà mẹ mang thai và phụ nữ trong tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã đều được lấy mẫu máu để xét nghiệm; đồng thời được các bác sỹ tư vấn về việc phòng chống HIV lây truyền từ mẹ sang con như: dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV; can thiệp cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thích hợp cho bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sau khi sinh. Nếu biết sớm tình trạng nhiễm HIV, tham gia sớm vào Chương trình Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV rất có hy vọng không bị lây nhiễm.
Có thể nói, đến thời điểm này, thế giới vẫn chưa có Vácxin chống lại căn bệnh HIV. Do vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự phòng chống; nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần chủ động tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS thì có thể ngăn chặn sự gia tăng của HIV, nhất là sự lây truyền HIV từ mẹ sang con./.
Hương Thơm