Chuyện về những người vợ của các chiến sỹ biên phòng ở Cư Jút

Thứ hai - 28/01/2013 04:24 - Đã xem: 1657
Ngày Tết là ngày đoàn viên, dù ai có bận trăm công, ngàn việc nhưng đến ngày Tết đều sắp xếp công việc để về sum họp cùng với gia đình, nhưng cũng có những gia đình, ngày Tết phải chịu đựng sự xa cách, hy sinh hạnh phúc của riêng mình cho cái chung của Tổ quốc. Đó là những gia đình của những người cán bộ chiến sỹ Biên phòng đang ngày đêm canh gác, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

(Ảnh minh họa - Nguồn: internet)

 
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, là giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, xã Tâm Thắng, có chồng là Trung tá Đào Đình Thuyên hiện đang công tác tại Đồn biên phòng 763 đóng chân trên địa bàn huyện Đăk Song thuộc bộ phận thông tin liên lạc. Hai vợ chồng chị lấy nhau đã được 15 năm thì chỉ có 2 lần duy nhất anh được đón tết Nguyên Đán ở nhà với vợ và các con. Đó là khoảng thời gian ít ỏi, anh mới có thể sắp xếp công việc để ở nhà, bởi nhiệm vụ liên lạc, nắm bắt thông tin thì không một phút, một dây nào anh có thể rời nhiệm sở. Không có chồng ở nhà, chị Duyên một mình ở nhà phải đóng 2 vai, vừa làm cha, vừa làm mẹ để giữ gìn mái ấm gia đình, nuôi dạy các con ăn học nên người. Những lúc trái gió trở trời, con ốm đau cũng một tay chị cáng đáng, cũng có lúc buồn tủi bởi bao nhiêu gia đình khác lúc khó khăn đều có người đàn ông bên cạnh để làm chỗ dựa. Khó khăn buồn tủi là vậy, nhưng chị Duyên vẫn không mội lời phàn nàn, than trách với chồng. Với ngần ấy thời gian chị đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác nơi biên cương. Đây là việc làm thể hiện bản chất “chịu thương – chịu khó” của người phụ nữ Việt Nam.


Tết năm nay cũng giống như Tết mọi năm, chị Duyên cùng với con trai là Đào Hà Thái dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ và sửa soạn hương hoa, bánh trái để sắp xếp lên bàn thờ tổ tiên cúng tất niên. Những lúc như thế này, mẹ con chị lại lấy hình chụp gia đình ra xem, để nhớ về những kỷ niệm khi có chồng, có bố ở nhà. Ngày Tết nhìn gia đình nhà người khác được sum vầy, chở nhau đi chúc tết, chị Duyên càng cảm thấy trống vắng và tủi thân. Để lấp đầy những khoảng trống vắng đó, chị lại không ngừng nỗ lực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nuôi dạy các con nên người. Hiện cháu lớn đang học lớp 9, cháu nhỏ đang học lớp 2, năm học nào các con của chị cũng đều đạt học sinh giỏi, các cháu đã tham gia các kỳ thi học sinh giỏi do trường, huyện, tỉnh tổ chức và đạt kết quả cao. Còn anh Thuyên chồng chị Duyên chỉ có những tấm hình, tấm Huân chương chiến sỹ vẻ vang là tài sản vô giá mà anh có thể dành tặng cho vợ và các con. Mặc dù không gần gũi với bố nhiều nhưng cháu Thái luôn phấn đấu học tập tốt để tiếp tục nối nghiệp bố mình.
Cũng có chồng là lính Biên phòng, nhưng chị Trần Tố Uyên ở TDP 3, thị trấn Ea T’ling may mắn hơn chị Duyên là khi sinh nở chị Trần Tố Uyên có bố mẹ chồng ở ngoài quê Thanh Hóa vào chăm sóc. Được biết, bố chồng chị Duyên nguyên là cán bộ của Công an Vũ Trang Thanh Hóa. Nối nghiệp cha, anh Lưu Xuân Hồng cũng tham gia quân đội và đang đóng quân ở Đồn 12 thuộc huyện Tuy Đức. Hiểu nỗi lòng của con dâu, mẹ chồng chị vẫn luôn động viên con chấp nhận hoàn cảnh, mình phải biết hy sinh hạnh phúc bản thân cho hạnh phúc của đất nước, của dân tộc, giúp chồng vững chắc tay súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. Lấy nhau được 5 năm nhưng chưa có năm nào chị được đón Tết cùng với chồng, 3 năm đầu chưa có con, chị Uyên phải đón Tết một mình nên sự cô quạnh càng lớn. Đến nay, con trai của chị đã được 2 tuổi, mặc dù vất vả nhưng nhìn con, chị như nhìn thấy chồng. Thấy con chơi đùa, bi bô gọi mẹ chị như vơi đi được nỗi nhớ chồng.



           Thực tế hiện nay, đất nước đang trong xu thế hội nhập kinh tế, có rất nhiều chị em không lựa chọn lấy chồng bộ đội mà nhất là “bộ đội biên phòng”; Vì họ không có thời gian ở nhà, vợ chồng phải luôn luôn sống xa cách. Nhưng qua tâm sự và từ sâu thẳm trong trái tim của những người vợ, người mẹ có chồng, có con đang là “lính biên phòng” ở huyện Cư Jút, chúng tôi hiểu rằng tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa đã giúp họ vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, sẵn sàng làm hậu phương vững chắc để tiếp thêm sức mạnh cho chồng vững chắc tay súng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Các chị vẫn luôn nở nụ cười trên môi để động viên chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.


Cuộc sống của những gia đình chiến sỹ Biên phòng không khó khăn về kinh tế, nhưng họ luôn thiếu thốn về mặt tinh thần, biết bao nỗi cơ cực, bao buồn tủi đều được các chị, các mẹ nén chặt trong lòng, nhiều lúc sự nhớ nhung trào dâng đành ôm con ngồi khóc. Có thể nói, ở thời chiến hay thời bình, vợ của những người lính luôn vượt qua gian khổ, xây dựng hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng “Anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang”./.

 
Hương Thơm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây