(Phát triển hồ tiêu ở huyện Cư Jút cần chú ý đến khâu chọn giống
) Hiện nay ở khu vực tỉnh Đăk Nông nói chung và huyện Cư Jút nói riêng cây hồ tiêu đang được giá nên khiến nhiều bà con nông dân đổ xô vào trồng loại cây công nghiệp này, khiến cho giống hồ tiêu khan hiếm và tăng giá lên gấp nhiều lần, mặc dù giá giống tiêu cao nhưng nhiều bà con nông dân vẫn đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng tiêu. Bị cuốn vào làn sóng trồng tiêu, anh Lục Văn Tây, ở Thôn 2, xã Cư Knia cũng đã phá bỏ hơn 5 sào đất trồng cây màu sang trồng tiêu. Anh Tây cho biết: đầu tư ban đầu vào vườn tiêu này hơn 150 triệu đồng, trong đó có hơn 600 trụ tiêu, mỗi trụ tiêu anh đầu tư trung bình 250 ngàn đồng/trụ, riêng về giống do giá thị trường cao từ 25 đến 30 ngàn đồng/dây nên anh tự cắt dây về ươm rồi trồng. Mặc dù vườn tiêu gia đình nhà anh đang xanh tốt nhưng thấy nhiều vườn tiêu xung quanh bị bệnh nên anh đang rất lo lắng.
Trước phong trào đổ xô trồng tiêu của nhiều bà con nông dân, chị Nguyễn Thị Liễu, ở Thôn 1, xã Cư Knia cũng không thể ngồi yên, thấy nhiều bà con nông dân giàu nhanh từ cây tiêu nên đầu năm 2012 chị đầu tư trồng hơn 400 trụ tiêu trong vườn nhà. Do không nắm vững kỹ thuật cộng với giống tiêu nhà chị chủ yếu là dây ác được dâm trong bầu khi mọc rễ thì đem trồng nên sức đề kháng yếu, vườn tiêu của gia đình nhà chị đang chết dần mà chưa rõ nguyên nhân.
Theo ông Nguyễn Hùng, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Cư Jút cho biết: toàn huyện hiện có 1.600 ha hồ tiêu, trong đó có hơn 1.000 ha tiêu kinh doanh với năng suất hằng năm ước đạt trên 3.000 tấn. Trước tình trạng người dân ồ ạt phát triển cây tiêu, Trạm BVTV huyện đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách phòng trừ các loại sâu bệnh và khuyến cáo không nên phát triển cây tiêu ồ ạt. Tuy nhiên, do giá tiêu hạt tăng cao nên người dân vẫn ồ ạt phát triển cây tiêu. Do trồng trên chân đất không phù hợp cộng với việc thiếu kiến thức KHKT nên cây tiêu đã phát sinh nhiều loại bệnh. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến cây tiêu hay mắc bệnh là do người dân thường chọn nhánh ác để trồng vì sớm cho quả, đồng thời còn có nguồn thu từ việc bán dây. Bên cạnh đó, bà con nông dân lại bón nhiều phân hoá học, phun nhiều thuốc kích thích dẫn đến cây tiêu bị thoái hoá, rễ dễ bị tổn thương, dễ mắc bệnh. Những nơi tiêu bị bệnh hàng loạt hầu hết đều do người dân trồng các loại giống tiêu kém chất lượng và trồng trên đất úng nước, kém thoát nước, gặp mưa nhiều. Khi tiêu bị bệnh chết bà con nông dân lại không tiêu huỷ thân, rễ, trụ tiêu mà tiếp tục trồng lại trên nền đất cũ nên mầm bệnh đã phát sinh gây hại.
Để đảm bảo phát triển bền vững cây hồ tiêu, thiết nghĩ trong thời gian tới các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương cần có khuyến cáo đối với bà con nông dân trong việc lựa chọn giống tiêu khi đưa vào trồng. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ về KHKT cho bà con nông dân nắm vững được khâu lựa chọn giống và chăm sóc nhằm tránh dịch bệnh lây lan làm thiệt hại về kinh tế./.
Tùng Nhi