Nỗ lực tái xây dựng Buôn văn hóa tại Buôn Nui, xã Tâm Thắng

Thứ hai - 28/01/2013 03:23 - Đã xem: 1099
Xuân Quý Tỵ năm nay, bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Buôn Nui, xã Tâm Thắng dường như vui hơn, bởi sau 7 năm đánh mất danh hiệu Buôn Văn hóa thì xuân này, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Chi bộ, Ban tự quản và đồng bào trong buôn, Buôn Nui lại vinh dự được đón nhận danh hiệu Buôn văn hóa lần thứ 2. Đây là động lực để cán bộ và đồng bào trong buôn phát huy tinh thần cách mạng, giữ vững danh hiệu buôn văn hóa trong những năm tiếp theo.
Buôn Nui, xã Tâm Thắng hiện có 232 hộ, với gần 800 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Ê Đê. Năm 2002, Buôn Nui là buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đầu tiên của Huyện Cư Jút đạt danh hiệu Buôn văn hóa, nhưng năm 2004, một số bà con đồng bào nhẹ dạ, cả tin, nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu lôi kéo đi biểu tình và từ đó Buôn Nui đã đánh mất danh hiệu Buôn văn hóa. Để xây dựng lại danh hiệu Buôn văn hóa và để bà con đồng bào trong Buôn yên tâm làm ăn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính quyền địa phương, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tâm Thắng xác định, trước hết phải củng cố, kiện toàn lại hệ thống chính trị ở Buôn Nui; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đồng bào trong Buôn; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đập tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.


Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện thành lập Đội công tác 123 để thực hiện 3 cùng “cùng ăn – cùng ở – cùng làm” với đồng bào để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giúp đỡ đồng bào trong việc phát triển sản xuất. Mặt khác, các ngành chức năng của huyện, của xã cũng đã về tận Buôn để tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống cây, giống con mới vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Từ chỗ, trước đây bà con đồng bào trong Buôn quen với tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp chưa mang tính hàng hóa,  nên việc phát triển kinh tế của buôn khá chậm chạp, có thời gian bà con thường xuyên chịu cảnh thiếu đói giáp hạt, Nhà nước phải cứu trợ, nhưng đến nay, trong buôn đã có nhiều hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây dựng, nhiều hộ đã mua sắm được các phương tiện sinh hoạt đắt tiền, đời sống của bà con đã thay da đổi thịt từng ngày.


Cùng với việc động viên đồng bào tin tưởng làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống gia đình, thời gian qua, Chi bộ, Ban tự quản Buôn  Nui đã lồng ghép trong các buổi họp Buôn hay các Chi hội, đoàn thể để tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ra khỏi đời sống, thực hiện theo nếp sống văn minh, theo quy ước, hương ước của buôn; đồng thời bảo tồn và duy trì các lễ hội, các ngành nghề truyền thống của cha ông như: lễ cúng lúa mới, cúng bến nước hay lễ hội rước K’pan và duy trì, truyền dạy cho con cháu nghề dệt thổ cẩm, cách đánh chiêng, cách chế tác và sử dụng nhạc cụ Đàn Brố, Chinh Kram và Đàn Goong để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân tộc Ê Đê. Từ đó, đồng bào trong Buôn đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bà con cũng đã bỏ được các hủ tục lạc hậu và mê tín dị đoan. Khi ốm đau, đồng bào không cúng bái như trước mà đều đến Trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Trong sinh hoạt thường ngày, đồng bào đã chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh. Việc chăn nuôi theo hình thức thả rông đã dần được xoá bỏ, hầu hết các hộ khi nuôi heo đều làm chuồng trại, bà con đã chăm lo lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, buôn làng giàu đẹp.


Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đoàn kết một lòng của cán bộ và đồng bào trong Buôn, nên đến nay đời sống của đồng bào Buôn Nui đã thay đổi từng ngày. Hiện khoảng 60% số hộ có điều kiện kinh tế khá và giàu, 40% số hộ đã mua sắm được phương tiện nghe nhìn, nhiều hộ có xe gắn máy, xe cày càng và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; 80% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, có nhiều hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liên tục. Một điều đáng mừng là trong năm 2012, Buôn Nui đã được công nhận Buôn văn hóa. Đây là niềm vinh dự, sự tự hào, là kết quả phấn đấu không biết mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền địa phương, của cán bộ và đồng bào Buôn Nui.


Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, cùng sự quan tâm của Cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của cán bộ và đồng bào trong Buôn. Tin tưởng rằng, đồng bào Buôn Nui, xã Tâm Thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính quyền địa phương tiếp tục đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, giữ vững danh hiệu Buôn văn hóa./.
Hương Thơm

Nguồn tin: Đài TT-TH huyện Cư Jút

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây