Cư Jút bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thứ hai - 28/01/2013 03:44 - Đã xem: 1496

Cư Jút bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Trong quá trình phát triển do sự thâm nhập, giao thoa của các nền văn hóa khác nhau đã làm cho bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở huyện Cư Jút nói riêng và tỉnh Đăk Nông nói chung ít nhiều bị mai một. Do đó, trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, huyện Cư Jút đã chú trọng khôi phục và bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của huyện Cư Jút thêm phong phú và sinh động.

(
Cư Jút bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc)
 
Huyện Cư Jút hiện có 93.796 nhân khẩu, với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Dao, Ê đê, M’Nông.v.v… duy chỉ có 2 dân tộc Ê đê, M’Nông là người tại chỗ, còn lại chủ yếu là dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống, lập nghiệp. Trong những năm qua, đi đôi với việc tập trung phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất cho bà con nhân dân các dân tộc, Huyện Cư Jút rất quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, huyện đã chú trọng việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Theo đó, từng bước khôi phục nhiều lễ hội truyền thống các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của mỗi dân tộc; Tổ chức nhiều Hội thi, Hội diễn văn nghệ, ngày hội văn hóa – văn nghệ các dân tộc… góp phần thắt chặt mối đoàn kết, giao lưu giữa các dân tộc anh em trên địa bàn huyện, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, phong phú và sống động làm nên nét riêng của Cư Jút hôm nay. Qua đó, làm nổi bật giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.


Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của huyện Cư Jút, chúng ta thấy nổi lên là phong trào văn hóa văn nghệ ở các địa phương đã được phát triển rộng khắp. Thông qua các đợt liên hoan, Hội thi, Hội diễn văn nghệ quần chúng, văn nghệ dân gian do huyện, tỉnh tổ chức thì các thôn, buôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã xuất hiện các đội văn nghệ như: Đội văn nghệ dân gian dân tộc Thái ở xã Ea Pô; đội văn nghệ dân gian dân tộc Tày ở xã Đăk D’Rông và Nam Dong; đội văn nghệ dân tộc Dao ở xã Đăk Wil; đội văn nghệ dân tộc H’Mông ở xã Cư KNia hay đội văn nghệ dân gian dân tộc Ê Đê ở xã Tâm Thắng….Hầu hết các đội văn nghệ này đều là những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng có chung một niềm đam mê ca hát, yêu làn điệu dân ca của cha ông nên tự tập hợp và duy trì hoạt động. Với lòng nhiệt huyết của mình, các đội văn nghệ đã thường xuyên tham gia biểu diễn  văn hóa, văn nghệ vào các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc, của địa phương để cổ động, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, đồng thời từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân.

 

(CLB hát dân ca quan họ “Mười Nhớ” tại xã Nam Dong - Cư Jút)


Cùng với việc phát triển các làn điệu dân ca của các dân tộc trên địa bàn huyện, thời gian qua, huyện Cư Jút còn chú trọng việc bảo tồn phát huy các di sản văn hóa và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số như: đầu tư xây dựng, khôi phục Buôn văn hóa truyền thống tại Buôn Buôr, xã Tâm Thắng; lưu giữ được 46 bộ cồng chiêng Ê Đê và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như: Đinh năm, Đinh tút, Đàn Goong, Đàn tính.v.v…; đồng thời vẫn còn nhiều nghệ nhân có khả năng chế tác nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa và biểu diễn thành thạo các nhạc cụ; Không chỉ bảo tồn các làn điệu, giữ gìn các nhạc cụ của dân tộc mà huyện Cư Jút còn tổ chức mở các lớp truyền dạy cách sử dụng và chế tác các nhạc cụ cho giới trẻ, để lưu giữ và phát triển giá trị văn hóa của các dân tộc. Theo đó, trong những năm qua, huyện Cư Jút dã mở được 8 lớp cồng chiêng, 1 lớp chế tác nhạc cụ Ching Kram, Đàn Goong và Đàn Brụ; đồng thời tổ chức thành công 4 Ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số, 3 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê như: lễ hội rước K’pan , lễ hội Mừng lúa mới và lễ hội Mừng nhà mới, đã quy tụ hàng trăm nghệ nhân, diễn viên và người dân tham gia. Qua các lễ hội này, đã giúp cho mọi người hiểu được giá trị văn hóa của từng dân tộc, để cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Cư Jút.

(Mở lớp Cồng chiêng cho  thanh niên các đồng bào dân tộc ở xã Tâm Thắng - Cư Jút )


Với đặc thù ở huyện Cư Jút có người dân tộc thiểu số tại chỗ nên trong những năm qua, huyện Cư Jút cũng chú trọng đến việc phát triển về ngôn ngữ  và chữ viết người Ê Đê; Đặc biệt là huyện đã đưa môn học tiếng dân tộc Ê Đê vào giảng dạy tại các trường tiểu học có đông học sinh là người đồng bào dân tộc Ê Đê học tập, từ đó đã hạn chế tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và học sinh, tăng hiệu quả dạy và học của các nhà trường; đồng thời giữ gìn ngôn ngữ và chữ viết của người dân tộc Ê Đê trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện còn chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống như: tổ chức các lớp dạy dệt thổ cẩm, ủ rượu cần… góp phần giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ ở các buôn làng trong những ngày nông nhàn.


Có thể khẳng định, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đã được các cấp, các ngành ở huyện Cư Jút thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết TW 5, khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Cư Jút ngày càng giàu đẹp./.
Hương Thơm
(Ảnh chụp từ Video của Đài TT-TH Cư Jút)

Nguồn tin: Đài TT-TH huyện Cư Jút

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây