Cần có giải pháp “nâng tầm” cho cây đậu tương, cây lạc ở Chư Jút

Thứ hai - 14/01/2013 19:54 - Đã xem: 1191
Huyện Chư Jút có điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng cây đậu tương và lạc theo hướng sản xuất hàng hóa. Thế nhưng trong thực tế, địa phương vẫn chưa tận dụng hết lợi thế để nâng cao năng suất, chất lượng của những cây trồng này.
Thực tế thời gian qua, đậu tương, lạc được đánh giá là những cây hoa màu chính, chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Chư Jút. Ðậu tương và lạc cũng đã khẳng định được “chỗ đứng” trong cơ cấu cây trồng chủ lực của huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.
 
Hàng năm, Chư Jút có diện tích gieo trồng đậu tương khoảng 7.440 ha, cây lạc trên 5.870 ha. Tuy nhiên, năng suất của những cây trồng này chưa cao. Cây đậu tương chỉ mới đạt tầm 2,3 tấn/ha, còn cây lạc đạt khoảng 2,6 tấn/ha. Trong khi đó ở các vùng chuyên canh như ở Trà Vinh, Tây Ninh, Nam Ðịnh thì năng suất trung bình của đậu tương và lạc thường đạt từ 3-4 tấn/ha, thậm chí như Khánh Hòa có vùng đạt tới 5 tấn/ha.
 
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì nguyên nhân dẫn đến năng suất 2 loại cây trồng này ở Chư Jút không cao chủ yếu do các nguồn giống hiện được nông dân dùng để sản xuất đã cũ. Ða số nguồn giống do nông dân lấy từ vụ mùa trước để làm giống cho vụ mùa sau hoặc mua giống trôi nổi trên thị trường mà không qua chọn lọc kỹ lưỡng.
 
Bên cạnh việc người dân không thể chủ động được nguồn giống có chất lượng cao thì các trung tâm, công ty cung cấp cây giống và các cơ quan chuyên ngành cũng chưa chú trọng đem những giống đậu tương, lạc có năng suất, chất lượng cao về cho họ.
 
Những giống lạc, đậu tương mới ở trên địa bàn cũng rất ít, năng suất chưa cao. Một số giống đậu tương đã được các ngành chuyên môn tuyển chọn như giống ÐT84, M103, MDDT176 khá phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên hiện được nông dân địa phương trồng nhưng cũng chỉ mới đạt năng suất trên 2,5 tấn/ha. Chính vì vậy, hiện các giống đậu tương, lạc đang sản xuất đại trà ở đây vẫn là các giống địa phương hoặc giống không rõ nguồn gốc, đang bị thoái hóa, lẫn tạp giữa các giống với nhau và đặc biệt là khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất thuận kém.
 
Việc nông dân chưa làm chủ được quy trình sản xuất cũng làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Mật độ gieo dày dẫn đến cây bị vóng, thiếu dinh dưỡng, sinh trưởng kém, ít trái, hạt lép nhiều. Trồng dày cũng là điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, tăng chi phí đầu tư giống, phân bón nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
 
Trong quá trình thâm canh, người nông dân cũng chưa bón phân đúng cách, ít chú trọng cung cấp các chất khoáng, đa vi lượng, khâu bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng cũng đã làm giảm hiệu quả kinh tế. Việc nông dân thường trồng sắn trên diện tích đất trồng đậu, trồng lạc nhưng ít đầu tư phân bón đã làm cho đất cằn.
 
Ngoài ra, hiện tại nông dân trồng đậu tương và lạc còn rải rác, manh mún và thiếu tập trung thành những vùng lớn. Do thời vụ gieo trồng các hộ không đồng loạt, không theo lịch thời vụ nên sâu bệnh phát triển quanh năm.
 
Từ thực tế này cho thấy, để “nâng tầm” cho cây lạc và đậu tương ở Chư Jút thì các cơ quan chuyên môn cần phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Các sở, ngành cũng cần vào cuộc giúp Chư Jút trong việc đưa các giống đậu tương, giống lạc thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng và chống chịu sâu bệnh hại tốt về triển khai cho nông dân trồng và hình thành vùng nhân giống để tự chủ nguồn giống.
 
Nông dân cần tuân thủ lịch gieo trồng tập trung, đúng thời vụ để thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và quản lý dịch hại. Chư Jút cần có sự quy hoạch phát triển vùng chuyên canh cây lạc và đậu tương phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện cũng như nhu cầu của các nhà sản xuất để phát triển sản xuất.
 
Phan Đinh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây