Chư Jút, xã hội hóa để thúc đẩy hoạt động văn hóa

Thứ tư - 29/05/2013 22:41 - Đã xem: 1415
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Jút có đến 25 dân tộc anh em sinh sống xen kẽ ở 127 thôn, buôn, bon, tổ dân phố thuộc 8 xã, thị trấn, nên mang đậm bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền, dân tộc. Vì vậy, nhiều năm qua, huyện cũng tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực văn hóa, nhằm đảm bảo mọi hoạt động văn hóa phát triển phù hợp với định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.


Nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Ê đê trên địa bàn huyện Chư Jút được lưu giữ khá nguyên vẹn

Đặc biệt, để ngày càng đáp ứng các nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân, huyện đã tiến hành quy hoạch mặt bằng, xây dựng mạng lưới các thiết chế văn hóa từ huyện xuống cơ sở, gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng đã xây dựng và triển khai đề án xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong xã hội xây dựng thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa.
 
Vì vậy, đến nay, các công trình văn hóa trọng điểm như Trung tâm văn hóa thể thao, sân vận động, quảng trường, công viên, hoa viên, thư viện và nhiều tủ sách, phòng đọc ở trường học, cơ quan đã được xây dựng. Toàn huyện cũng đã xây dựng được 15 sân bóng đá mini, 10 sân bóng chuyền; 77/127 thôn, buôn, bon có nhà văn hóa cộng đồng…
 
Đi đôi với việc xây dựng các thiết chế văn hóa, huyện cũng đã đầu tư công sức, tài chính để khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhằm tạo nên môi trường văn hóa cũng như không gian văn hóa đa sắc màu của địa phương. Trong đó, đáng chú ý là không chỉ đồng bào bản địa Ê đê, M’nông mà đồng bào từ các tỉnh phía Bắc di cư vào như Thái, Tày, Nùng vẫn còn gìn giữ khá nguyên vẹn những tập quán văn hóa giàu bản sắc của mình.
 
Qua đó, việc tái hiện lại một số nét đặc thù trong không gian văn hóa cồng chiêng, môi trường diễn xướng âm nhạc, dân ca dân gian cũng như tổ chức các hoạt động bảo tồn và phục dựng lại các nghi lễ, lễ hội truyền thống cũng được dễ dàng hơn. Theo đó, hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức ngày hội văn hóa thể thao, tạo điều kiện cho các đội cồng chiêng, các đội văn nghệ dân gian, các nghệ nhân, thanh thiếu niên có dịp  thi thố, trổ tài… thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc.
 
Thông qua việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa cũng đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc Ê đê, Thái trên địa bàn. Đơn cử, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Ê đê ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng như: hơn 20 ngôi nhà sàn truyền thống, hàng chục bộ cồng chiêng, khung dệt thổ cẩm, các nghi lễ cúng nhà mới, lễ cúng bến nước, lễ rước Kpan… vẫn được giữ gìn và phát huy nguyên vẹn.
 
Ngoài ra, huyện cũng đã vận động các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy lại kỹ năng đánh cồng chiêng, sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy, ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian trong đồng bào cũng được nâng lên. Đồng bào các xã Đắk D’rông, Tâm Thắng, thị trấn Ea T’ling…vẫn còn lưu giữ được nhiều bộ cồng chiêng quý hiếm, phục vụ đắc lực trong hoạt động bảo tồn và tổ chức các nghi lễ hàng năm tại các thôn, bon.
 
Theo UBND huyện Chư Jút thì do khoảng cách về đời sống giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vẫn còn chênh lệch, nên các thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng như sự hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân vẫn còn có những hạn chế nhất định, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số,  vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nhân dân các dân tộc trong huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, ổn định đời sống, góp phần xây dựng và hình thành một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Bài, ảnh: Mỹ Hằng

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây