Nam Dong phát triển mạnh thương mại, dịch vụ
Chủ nhật - 14/04/2013 20:41
- Đã xem: 1219
Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã Nam Dong (Chư Jút) có hơn 780 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, với các ngành nghề đa dạng. Có được kết quả đó một phần lớn là nhờ những năm qua xã đã chú trọng tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, nâng cấp hệ thống chợ, hạ tầng thương mại.
Hiện nay, xã đã xây dựng được chợ trung tâm với tổng diện tích gần 1000m2 và phân lô để các tiểu thương buôn bán. Ðịa phương còn tạo môi trường thuận lợi để các ngân hàng đứng chân trên địa bàn hoạt động hiệu quả, giúp các thành phần kinh tế, hộ gia đình có điều kiện vay vốn đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, xã cũng luôn tạo điều kiện về thủ tục hồ sơ để các doanh nghiệp, cá nhân có thể mở rộng, phát triển kinh doanh cũng như tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn như cơ khí, sửa chữa ô tô, xe gắn máy... Sau khi hoàn thành các khóa học, nhiều người đã mạnh dạn mở các cơ sở sửa chữa, kinh doanh các mặt hàng thông dụng. Vì vậy, hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động cũng như đóng góp nguồn thu khá lớn cho địa phương. |
Một góc xã Nam Dong hôm nay |
Ðơn cử như Ðại lý phân bón Hoàng Việt của gia đình anh Hoàng Ðình Tới ở thôn Trung Tâm, chuyên mua bán vật tư, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp đã tạo việc làm cho 5 lao động và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Anh Tới cho biết: “Nhờ sự khuyến khích hỗ trợ của chính quyền địa phương mà công việc mua bán của gia đình tôi cũng như các hộ kinh doanh khác rất thuận lợi. Việc phát triển kinh tế, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp là trách nhiệm của mỗi công dân nên mọi người đều ra sức sản xuất, làm ăn, đóng góp cho địa phương”.
Hay như cửa hàng xe máy Gia Hòa Phát ở cùng thôn cũng đã tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Ðiều đáng nói là thương mại phát triển đã giúp người dân địa phương dễ dàng hơn trong việc mua sắm các vật tư, dụng cụ sản xuất cũng như các đồ gia dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ông Ðoàn Văn Ổn ở thôn 1 cho biết: “Trước đây, mỗi lần cần mua những trang thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất, gia đình tôi phải lên tận TP. Buôn Ma Thuột hay ra trung tâm huyện mới có. Nhưng giờ đây, ngay tại xã cũng có thể mua được những thứ mình cần, giá cả cũng phải chăng”.
Thương mại, dịch vụ phát triển cũng giúp cho đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người của xã là 17,5 triệu đồng/năm. Ðến nay, xã đã xóa được nhà tạm dột nát và hơn 90% hộ dân có nhà ở kiên cố và sử dụng các trang thiết bị sinh hoạt hiện đại. Ðiều đáng nói nữa là nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh có thu nhập cao cũng sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của cùng chung tay với chính quyền địa phương xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.
Theo ông Phan Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dong thì là một trong những xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện, nên thời gian qua, xã cũng luôn chú trọng đến việc phát triển ngành thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ðây là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm khai thác những thế mạnh của địa phương, làm tiền đề để xã hoàn thành sớm các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu là đô thị loại 5 của huyện.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online